Sản xuất công nghiệp được coi là 1 trong những trọng tâm để giữ đà tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh theo hướng phù hợp với diễn biến dịch bệnh
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 ngay sau Tết Nguyên đán khiến ngành than, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Ninh đứng trước nhiều khó khăn khi vừa phải duy trì sản xuất kinh doanh, vừa phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho hàng vạn công nhân. Vượt qua khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những phương án kịp thời ứng phó, tăng cường sản xuất với nhịp độ cao. Các đơn vị sản xuất than hầm lò và lộ thiên bám sát kế hoạch, quyết liệt thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án khai mỏ...
Bên cạnh đó, TKV cũng nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong quý I vừa qua, tổng lượng than nguyên khai của TKV đạt 10,5 triệu tấn, bằng 26% kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt gần 12 triệu tấn, đạt hơn 22% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt hơn 30.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 13 triệu đồng/tháng.
Các biện pháp chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe công nhân mỏ và ổn định sản xuất |
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống người lao động. Tuy nhiên, qua kết quả quý I vừa qua, chúng tôi khẳng định đã có hiệu quả tốt trong việc phòng chống dịch, tùy theo từng tình hình có những chỉ đạo quyết liệt để áp dụng trong điều kiện cụ thể. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu kép đó là các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cơ bản đạt, có những chỉ tiêu vượt kế hoạch”, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh nhận định.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch dịch vụ, vốn là mũi nhọn kinh tế của Quảng Ninh nhiều năm qua có sự sụt giảm nghiêm trọng, lượng khách giảm 72%, tổng thu từ du lịch giảm 69%. Tuy nhiên, nhờ khu vực công nghiệp duy trì đà tăng trưởng và nông lâm thủy sản ổn định, Quảng Ninh vẫn giữ được GRDP 7,2%, mức tăng khá trong bối cảnh khó khăn chung. Trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, trong quý II và cả năm 2020, Quảng Ninh xác định công nghiệp, xây dựng vẫn sẽ giữ vai trò trọng yếu để bù đắp cho du lịch, dịch vụ. Trong đó, ngành than điều chỉnh sản lượng khai thác năm 2020 từ 40,5 triệu tấn tăng lên tối thiểu 41 triệu tấn than và đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện để đạt sản lượng điện lên hơn 38,6 tỷ kWh.
Để đạt được những chỉ tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạo điều kiện tối đa, phối hợp chặt chẽ với ngành than để tập trung khơi thông các điểm nghẽn, như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, xin cấp quyền khai thác khoáng sản, tăng nhập khẩu trang thiết bị phục vụ cho sản xuất than...
Ông Ngô Thế Phiệt, Giám đốc Công ty Than Núi Béo, một trong những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho biết: “Lãnh đạo Tập đoàn, Đảng ủy Than và tỉnh Quảng Ninh có những chỉ đạo rất sát sao, quan tâm giải quyết công việc nhanh, đặc biệt liên quan đến quy hoạch kho than, đổ thải, điều chỉnh mặt bằng mỏ hầm lò. Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để thành lập thêm công trường cơ giới hóa, tăng năng lực sản xuất lên, đồng thời sữa chữa thiết bị lộ thiên, chờ giấy phép để tập trung khai thác, tăng tốc trước mùa mưa bão, đáp ứng sản lượng tập đoàn giao”.
Phối cảnh cầu Cửa Lục 1 và 3, những dự án giao thông động lực sắp khởi công của Quảng Ninh |
Không chỉ công nghiệp than, Quảng Ninh cũng xác định thúc đẩy tiến độ đầu tư và mở rộng các dự án sản xuất động lực, sớm đi vào hoạt động một số nhà máy công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa... Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, giải pháp tập trung cho đầu tư công, thúc đẩy các dự án ngoài ngân sách, hỗ trợ tối đa các dự án có thể hoàn thiện thủ tục và khởi công ngay trong năm 2020.
“Tinh thần là tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong triển khai sản xuất kinh doanh, thông qua đó thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Các sở ngành địa phương, cán bộ công chức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tiếp nhận nội dung đề nghị thì phải làm ngay, làm nhanh, giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Một trong những tín hiệu tích cực là trong quý II, Quảng Ninh sẽ khởi công dự án Cầu Cửa Lục 1 với tổng số vốn hơn 2.100 tỷ đồng, tiếp đó là cầu Cửa Lục 3 tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng, hoàn thành một số dự án hạ tầng động lực khác. Bám sát diễn biến của dịch bệnh cùng với những dự báo và nhận định, Quảng Ninh đang xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế khác nhau cho từng ngành, từng lĩnh vực, giải bài toán vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ ổn định kinh tế - xã hội./.
Trường Giang/VOV.VN