Ngành chăn nuôi trước bài toán cạnh tranh

Thứ 3, 17.11.2020 | 14:39:56
664 lượt xem

Người dân trong nước có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ buộc doanh nghiệp chăn nuôi cải tiến công nghệ trong sản xuất.

Theo thống kê từ Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 8 tháng năm nay, thịt heo là sản phẩm chăn nuôi có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất. Việt Nam nhập khẩu 64,66 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá hơn 152 triệu USD. Con số này tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài thịt heo, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là mặt hàng gia tăng mạnh mẽ về giá trị nhập khẩu với mức tăng 10,8%, đạt 766 triệu USD. Tổng giá trị nhập khẩu chăn nuôi 8 tháng qua xấp xỉ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 11, 8% so với cùng kỳ 2019.

Thực tế chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,5 triệu nông hộ trong tổng số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Song quy mô ngành vẫn chủ yếu phụ thuộc các hộ nhỏ lẻ. Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng chiếm tỷ trọng rất thấp.

Những năm qua, chăn nuôi công nghiệp cao đang phát triển mạnh với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Dabaco, Thái Dương, C.P Việt Nam... Xu hướng này có tác động tích cực, lan tỏa đến đội ngũ sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời đánh thức các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Bò sữa tại trang trại NutiMilk. Ảnh: Nutifood.

Bò sữa tại trang trại NutiMilk. Ảnh: Nutifood.

Theo chuyên gia, điều này phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ thực phẩm. Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với thực phẩm ngoại nhập, được sản xuất bởi các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.

Để có sự so kè sòng phẳng với đối thủ ngoại, các doanh nghiệp chăn nuôi đang vận dụng công nghệ ra sao trong sản xuất, chế biến? Nhà sản xuất nội địa có phát huy lợi thế cạnh tranh nào để đối đầu với các nhà sản xuất quốc tế trong thời gian trung và dài hạn sắp tới? Việt Nam cần làm gì để khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào ngành chăn nuôi với quy mô lớn và trình độ sản xuất cao? Trước sức ép từ CPTTP và EVFTA các doanh nghiệp chăn nuôi cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh.... Đây là những nội dung sẽ bàn thảo tại toạ đàm trực tuyến "Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi" lúc 15h ngày 17/11 trên VnExpress.

Chương trình có sự tham gia của ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phá ttriển nông thôn. Ông Nguyễn Công Cẩn - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật tập đoàn Việt - Úc là đại diện cho doanh nghiệp trong ngành. Những nội dung trao đổi dưới sự điều phối của TS Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).


Phạm An/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/nganh-chan-nuoi-truoc-bai-toan-canh-tranh-4192688.html


  • Từ khóa