Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và đã có được những kết quả tích cực.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt trong triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Các cấp, ngành chức ngành địa phương đã quyết tâm vào cuộc, nhiều phần việc được triển khai đồng bộ. Kết quả đạt được rất tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân kém ý thức, gây khó khăn trong thực thi các giải pháp.
Hành động tiên phong, kết quả tích cực
Vào tháng 10/2017, Liên minh Châu Âu (EU) công bố “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác nước ta. Với thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy sản, thực trạng này ảnh hưởng tới đông đảo người dân, doanh nghiệp trong nước. Cũng chính vì vậy mà cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, bằng nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Cà Mau là tỉnh đi đầu thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Không bao lâu sau, Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản 2017. Luật này có hiệu lực từ tháng 1/2019. Ngay sau đó, Chính Phủ đã có Nghị định 26 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản. Một trong những điểm mới Luật Thủy sản 2017 cũng như Nghị định 26 quy định, là bắt buộc tàu cá từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chống khai thác IUU, hướng tới tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Tại tỉnh Cà Mau, không đợi Luật Thủy sản có hiệu lực mà ngay từ đầu năm 2018, chính quyền tỉnh này đã bắt buộc các tàu cá trên 15m phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Cà Mau chính là tỉnh đi đầu và lợi thế tiên phong đã giúp vùng đất tận cùng Tổ quốc chủ động hơn trong việc thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.300 trên khoảng 1.600 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngành chức năng Cà Mau xác định, công tác tuyên truyền chính là khâu đột phá để người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nói chung và thực hiện đánh bắt thủy sản đúng quy định nói riêng.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ: "Với sự cố gắng của các cấp, ngành công tác chống đánh bắt bất hợp pháp thời gian qua thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, rõ ràng công tác quản lý tàu cá, ngăn chặn tàu cá hoạt động trái phép vẫn còn những khó khăn. Thời gian qua đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nhưng thời gian tới vẫn phải tiếp tục quyết liệt hơn. Làm sao đổi mới phương pháp, nội dung để công tác tuyên truyền có tác dụng mới".
Ý thức đa số bà con ngư dân đã triển biến nhưng vẫn còn số ít hộ dân chưa tuân thủ.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện được hơn 230 lớp, cuộc tuyên truyền, với số lượng hơn 13.000 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, những biện pháp cứng rắn cũng đã được đưa ra như: Các tàu cá không đủ quy định, không được ra khơi. Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm đã được triển khai quyết liệt.
Tổng số tiền các đơn vị chức năng tỉnh Cà Mau đã xử phạt hành chính là hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, có chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử phạt đến hơn 1 tỷ đồng. Các giải pháp được thực hiện đồng bộ đã góp phần dần làm thay đổi nhận thức người dân.
Ông Bùi Thành Tài, chủ tàu cá ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chia sẻ: "Lắp đặt thiết bị này và kết nối với điện thoại của tôi, nên đi đâu mình cũng biết. Nhiều khi tôi không chạy mà giao cho anh em chạy thì lên coi, nhằm khi anh em đánh cá không đúng vị trí thì gọi lại. Khi có bão, tôi cũng trực tiếp liên hệ được, nằm vị trí nào, tạo độ nào mình hướng dẫn anh em vào hoặc tránh trú an toàn".
Cần nhất ý thức ngư dân
Các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC mà ngành chức năng tỉnh Cà Mau triển khai đã và đang mang lại tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn một số ít ngư dân chưa tuân thủ triệt để. Trong số gần 300 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có những chủ tàu trốn tránh, không đưa tàu về địa phương thực hiện nghĩa vụ. Còn tổng số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trung bình vẫn có khoảng 10% thiết bị mất kết nối. Ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan do thiết bị bị tháo niêm phong, tác động gây hư hỏng.
Thẻ vàng của EC đã gây ra những khó khăn cho ngành thủy sản, đặc biệt là thủy sản khai thác.
Thượng tá Võ Văn Sử, Phó Chỉ huy Trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau trong hội nghị "Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp" của tỉnh Cà Mau được tổ chức vừa qua, đã chỉ ra các khó khăn trong xử lý các vụ tàu cá vi phạm. Trong đó, có việc người dân vì mục đích kinh tế mà kém ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Sử cho rằng, chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân mới ngăn chặn được và đề xuất, cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Như hành vi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài nếu đã xử phạt hành chính rồi, sau đó tiếp tục tái phạm thì cần xem xét xử lý hình sự. Có thể tính tới khởi tố một số vụ theo quy định “xuất nhập cảnh trái phép” nhằm đảm bảo răn đe.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho rằng, công tác tuyên truyền cần tiếp tục thực hiện sâu, rộng hơn. Ngoài ra, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát là rất cần thiết.
"Quy định đã có, chúng ta tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Phải có sự phối hợp của lực lượng liên ngành để thực hiện việc này. Việc tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực đã có chủ trương của UBND tỉnh. Chúng tôi đang xây dựng đề án theo hướng thành lập lực lượng kiểm ngư của tỉnh, nhằm tăng cường thực thi pháp luật ở trên biển" - ông Nguyễn Việt Triều cho biết.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm là một giải pháp hữu hiệu.
Các cấp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và đã có được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn. Thời gian tới, Ủy ban Châu Âu sẽ sang nước ta kiểm tra công tác triển khai các giải pháp theo khuyến nghị. Nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng”, có thể thủy sản khai thác của nước ta sẽ bị cảnh báo “thẻ đỏ”, bị cấm xuất khẩu vào thị trường EU.
Ngay sau khi bị “thẻ vàng”, giá hải sản đã sụt giảm, nếu bị cảnh báo “thẻ đỏ” tình hình càng tiêu cực hơn. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của ngành thủy sản - thế mạnh của nước ta mà còn tác động trực tiếp tới đời sống của ngư dân. Từ đó, rất cần ý thức của ngư dân Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung góp phần vào việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Vừa qua, sau khi phát hiện một số thiết bị giám sát hành trình tàu cá của ngư dân Kiên Giang được gắn trên nóc của một cơ sở sửa chữa tàu trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các cấp, ngành và đơn vị có liên quan, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả về công tác chống khai thác IUU. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Chú trọng việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt, là việc thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài./. |
Trung Hiếu/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/go-the-vang-cua-ec-hanh-dong-va-thuc-tien-o-ca-mau-819312.vov