Lãi suất giảm, dòng tiền đầu tư rời khỏi những khu vực sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường bất động sản liệu có hút được dòng đầu tư đang chuyển dịch trong năm 2021?
Thị trường bất động sản năm 2021 với nhiều yếu tố bất định, bên cạnh những trở ngại thì có nhiều yếu tố có thể trở thành lực đẩy cho thị trường.
Trong năm 2021, thị trường bất động sản sẽ cơ cấu mạnh mẽ. Những khó khăn từ nội tại thị trường và ảnh hưởng tác động của dịch bệnh đã như liều thuốc thử sàng lọc thị trường. Doanh nghiệp "trụ" được trong giai đoạn hiện nay đều là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khổng lồ và có tiềm lực trong phát triển.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2021 khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm, một vài phân khúc trên thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn. Từ đó, giúp khơi thông dòng chảy thị trường, các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án cũng vì thế mà khởi sắc hơn. Hơn nữa, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Dòng tiền nhàn rỗi năm 2021 có đổ vào thị trường bất động sản?
“Dòng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục rót vào thị trường bất động sản qua nhiều kênh khác nhau. Thậm chí gần đây, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Khi lãi suất giảm mạnh, chắc chắn các ngân hàng sẽ ưu tiên lựa chọn kênh cho vay bất động sản, bởi vẫn có thể sinh ra lợi nhuận khá chắc chắn” - ông Bùi Văn Doanh nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước tới nay bất động sản nhà ở luôn là phân khúc có tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Tuy vậy, trong thời gian tới sẽ có thêm những phân khúc mới nhiều tiềm năng phát triển hơn.
“5 năm tới sẽ là giai đoạn để bất động sản công nghiệp đón nhiều vận hội mới nhờ xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về Việt Nam. Theo đó, phân khúc nhà ở cho công nhân khu công nghiệp sẽ rất lớn. Đây sẽ là phân khúc sáng cho thị trường bất động sản trong 5 năm tới. Những địa phương có nhiều tiềm năng là: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng. Ở phía Nam: các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Tiền Giang...” - ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá.
Tuy vậy, ông Hà cũng cho rằng để thị trường bất động sản phát triển trong giai đoạn tới những nút thắt từ chính sách cũng phải được tháo. Ông Hà ví dụ, thời gian vừa qua, tình hình phê duyệt các dự án của các địa phương, không riêng TP.HCM đều có tình trạng chậm lại. Số lượng dự án được phê duyệt, dự án được phép đưa vào kinh doanh rất ít.
“Do nhiều nguyên nhân, đó là tình trạng chồng chéo trong pháp lý liên quan đến các bộ luật, cơ quan phê duyệt dự án đang thận trọng trong phê duyệt. Điều này dẫn đến nguồn cung cho thị trường bất động sản giảm sút. Tuy vậy, ngay trong quý 4 năm 2020, Chính phủ đã có những quan tâm tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Nhưng việc này phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2021” - ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích./.
Phương Hoài/VOV.VN