Covid-19 - 'Cỗ máy thời gian' đưa kinh doanh đến tương lai

Thứ 3, 29.12.2020 | 08:23:30
312 lượt xem

Được thúc đẩy bởi đại dịch, những thay đổi có thể mất nhiều năm mới hoàn thành với doanh nghiệp thì nay chỉ diễn ra trong vài tháng.

Đại dịch đã buộc người Mỹ chuyển từ thế giới vật chất lên kỹ thuật số chỉ trong vài tháng. Khi các nhà bán lẻ học cách vận hành mà không có cửa hàng, những người thường xuyên đi công tác nay không có máy bay và nhân viên không có văn phòng, phần lớn những thứ khởi đầu chỉ là giải pháp tạm thời thì nay có khả năng trở thành vĩnh viễn.

"Covid đã hoạt động như một cỗ máy thời gian. Nó đưa năm 2030 đến năm 2020", Loren Padelford - Phó chủ tịch của Shopify bình luận. Số người bán sử dụng nền tảng thương mại điện tử của công ty này đã tăng hơn 20% trong nửa đầu năm, lên 1,4 triệu.

Tác động của đại dịch phản ánh ở mọi ngóc ngách cuộc sống, từ thị trường chứng khoán, các mô hình chi tiêu của công ty, cho đến sự suy giảm của tiền giấy. Các nhà đầu tư năm 2020 chuộng công ty có mô hình kinh doanh sử dụng nhiều tài sản kỹ thuật số, như Carvana - hãng bán ôtô cũ online, Amazon hay các công ty cung cấp cơ sở hạ tầng số như Shopify, Zoom và Microsoft.

Covid đã dọn sạch những con phố thường bận rộn của Manhattan. Ảnh: Reuters.

Covid -19 đã quét sạch những con phố thường xuyên đông đúc của Manhattan. Ảnh: Reuters.

Theo nhiều phương diện, số hóa đơn giản là chương tiếp theo của quá trình đã diễn ra suốt một thế kỷ qua: phi vật chất hóa nền kinh tế. Khi nông nghiệp nhường chỗ cho sản xuất và sau đó là dịch vụ, tỷ trọng giá trị kinh tế thu được từ vật chất hữu hình và lao động tay chân bị thu hẹp. Trong khi đó, tỷ trọng thu được từ thông tin và chất xám tăng lên.

Cuộc "số hóa" vĩ đại

Dù vậy, đại dịch không phải là tác động duy nhất. Biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió không cần đến nhiên liệu, bồn chứa, đường ống, tàu hỏa hoặc tàu chở dầu. Đại dịch chỉ đẩy nhanh sự dịch chuyển bằng cách giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng động lực chủ đạo là công nghệ thông tin. Joel Mokyr, một nhà sử học kinh tế tại Đại học Northwestern, cho biết một trong những vai trò quan trọng nhất và ít được đánh giá cao nhất của nó là số hóa.

Vào năm 1850, ông nói, "cách duy nhất để nghe nhạc là hiện diện tại một buổi hòa nhạc hoặc tự mình chơi nhạc". Sau đó, đĩa than, CD xuất hiện và bây giờ là phát trực tuyến. Đó là những cải tiến khiến nhu cầu về sự hiện diện vật lý trong âm nhạc gần như không còn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, đại dịch cũng tạo ra những động lực tương tự. Warner Bros phát hành đồng thời tất cả các bộ phim của mình vào năm 2021 trên dịch vụ phát trực tuyến HBO Max và tại các rạp chiếu.

Trong nhiều phòng họp, các công ty đã chuyển đổi sang làm việc từ xa bằng cách sử dụng các công cụ họp ảo như Zoom.

Trong ngành bán lẻ, một trở ngại lịch sử đối với việc áp dụng hình thức bán trực tuyến là không thể tái tạo trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Amazon bắt đầu với sách, vì không như quần áo hay thiết bị, bạn không cần phải chạm vào quyển sách để quyết định có mua nó hay không. Nhưng giờ đây, khả năng tái tạo cũng đã cải thiện khá nhiều.

Carvana cho phép khách hàng nghiên cứu hình ảnh 360 độ về ngoại thất và nội thất của một chiếc ôtô đã qua sử dụng, đăng ký và được chấp thuận cho vay trực tuyến, sau đó vận chuyển ôtô đến tận nhà hoặc một máy bán xe tự động. Doanh số bán hàng bùng nổ trong đại dịch chứng tỏ nhiều khách hàng vẫn sẽ mua một chiếc xe cũ mà không cần lái nó trước.

Bất kỳ ai do dự khi mua kính mắt trực tuyến từ Warby Parker đều có thể thử chúng trên hình ảnh ba chiều của chính mình bằng iPhone. Hoặc với Peloton Interactive, nhiều người đam mê thể dục sẽ không quay lại phòng gym sau đại dịch.

Sự chuyển đổi từ thương mại vật lý sang ảo đi đôi với sự gia tăng của thanh toán từ xa/không tiếp xúc và sự suy giảm của tiền mặt. Đại dịch đã thúc đẩy một số cơ sở kinh doanh chuộng tiền mặt như sòng bạc áp dụng các cách ít dùng tiền mặt hơn.

Kể từ tháng 6, khoảng 30% doanh số của M. Flynn Jewelry, cửa hàng trang sức cổ ở Boston, là trực tuyến. Tỷ lệ này tăng gấp 10 so với một năm trước đó. Khách truy cập trang web của họ có thể yêu cầu nhân viên cửa hàng thử một món đồ trang sức bất kỳ.

Padelford nói rằng, trước đại dịch, nhiều công ty không muốn chuyển sang trực tuyến vì tin rằng cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và khả năng kỹ thuật. "Thực tế thì không. Một công ty bình thường cũng có thể chuyển sang trực tuyến trong một ngày", với chi phí chỉ từ 29 USD một tháng, ông nói.

Hiệu ứng lan tỏa

Sự gia tăng số lượng người tiêu dùng, nhà kinh doanh và thương hiệu trực tuyến tạo ra cái mà Sebastian gọi là "hiệu ứng mạng lưới". Càng có nhiều người dùng, thì càng hấp dẫn người khác làm theo. Một phần khác đến từ việc các nhà kinh doanh và hãng cung cấp công nghệ nhanh chóng nâng cấp trải nghiệm trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tất nhiên, số hóa không làm mất đi nhu cầu về tài sản vật chất. Chỉ là năm nay, các doanh nghiệp Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho những thứ liên quan đến hậu cần và công nghệ. Theo CBRE, diện tích kho được khách thuê lấp đầy trong 9 tháng đầu năm tương tự năm ngoái. Khối lượng vận chuyển bằng đường hàng không tăng trong năm nay, ngay cả khi lưu lượng hành khách giảm mạnh. Chi tiêu cho phần mềm và công nghệ thông tin tăng trong quý III so với một năm trước đó, nhưng hầu hết các loại chi tiêu vốn khác đều giảm.

Khi vaccine được phổ biến và nỗi sợ hãi về virus mất dần, một số xu hướng sẽ đảo ngược. Mọi người sẽ quay lại nhà hàng nhanh chóng vì khao khát hiện diện cùng nhau, cũng như các nhân viên thích nói chuyện phiếm xung quanh máy pha cà phê văn phòng.

Gia đình cô Angela Atkins đang làm việc và học tập bên ngoài nhà ở Oxford, Mississippi đầu tháng 12. Ảnh: AP.

Một gia đình làm việc và học tập bên ngoài căn nhà ở Oxford, Mississippi (Mỹ). Ảnh: AP.

Tuy vậy, Mokyr cảnh báo việc số hóa không thể kéo dài mãi mãi. "Chúng ta có thể mô phỏng thực tại. Tuy nhiên, bản thân chúng ta không phải là những sinh vật kỹ thuật số. Quá trình tiến hóa của con người sẽ tiếp tục đòi hỏi những trải nghiệm vật lý", ông nói.

Nhưng có lẽ, tương tác thực tế cũng sẽ không còn nhiều như trước. Trước đại dịch, khoảng 5% ngày làm việc là tại nhà, theo khảo sát với 15.000 người Mỹ do các học giả Jose Maria Barrero, Nicholas Bloom và Steven J. Davis thực hiện. Con số này đã tăng lên 50% vào tháng 11. Khi đại dịch kết thúc, những người được hỏi vẫn mong đợi ở nhà với 22% ngày làm việc của họ.

Động lực tăng tốc

98% trong tổng số 28.000 nhân viên Nationwide Mutual Insurance làm việc tại nhà khi dịch xảy ra. Động lực ban đầu là sự an toàn. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Kirt Walker cho biết họ đã đẩy nhanh các kế hoạch đã có từ trước để dựa vào các hoạt động ảo. Trước đại dịch, khoảng 15% nhân viên làm việc tại nhà và công ty hiện có kế hoạch một nửa sẽ làm việc ở nhà vĩnh viễn.

Walker từng tổ chức các cuộc họp với nhân viên trong khán phòng tại trụ sở Columbus của công ty, có sức chứa lên đến 350 người. Giờ đây, ông thường xuyên tổ chức các buổi phát sóng toàn công ty với sự tham gia của hàng nghìn nhân viên. Họ gửi câu hỏi và bỏ phiếu xem Walker sẽ trả lời câu hỏi nào bằng cách sử dụng Slido, một ứng dụng bỏ phiếu trực tiếp vừa được Cisco mua lại.

Nationwide đang đóng cửa 17 văn phòng trên khắp đất nước, giữ lại bốn cơ sở chính, và tiết kiệm khoảng 100 triệu USD. Walker nói một số công ty coi năm 2020 là một năm thất bại. "Đối với chúng tôi, đó là một công cụ thúc đẩy và đưa mình đến gần hơn với một số mục tiêu dài hạn", ông kết luận.


Phiên An/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/covid-19-co-may-thoi-gian-dua-kinh-doanh-den-tuong-lai-4212311.html

  • Từ khóa