Sự thiếu chắc chắn, rào cản về chi phí và các lệnh hạn chế trong đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể thay đổi chuỗi cung ứng.
Đại dịch đã phá hủy chuỗi cung ứng khổng lồ của thế giới trong nhiều tháng, khiến các nhà máy phải đóng cửa, làm gián đoạn việc vận chuyển và gây khó khăn cho các công ty muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều công ty đang cân nhắc thay đổi chuỗi cung ứng để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa và chậm trễ trong vận chuyển. Một số xem xét chuyển sản xuất về gần quê nhà hơn. Số khác khác thì tính xây các nhà máy nhỏ trên khắp thế giới, thay vì đặt tất cả sản xuất ở một nơi.
Đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy chuỗi cung ứng đã có sự thay đổi lớn, do rào cản về chi phí và sự thiếu chắc chắn. Dù vậy, các cuộc khảo sát và phỏng vấn với các CEO cho thấy một số đã bắt đầu thay đổi. Nhiều người đang xem xét việc này một cách nghiêm túc, dù các chuyên gia tư vấn cho biết các động thái này có thể mất vài năm để triển khai.
Quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng ở một số nơi và kéo tụt tăng trưởng ở những vùng khác. Giá sản phẩm có thể tăng do các công ty lấy hàng từ những nơi đắt đỏ hơn. Kéo theo đó, lạm phát và lãi suất cũng sẽ cao lên.
"Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu được đa dạng hóa, áp lực lạm phát sẽ tăng", Shaun Roache - kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết.
Dây chuyền lắp pin cho xe chạy điện tại một nhà máy ở An Huy, Trung Quốc ngày 4/12. Ảnh: Bloomberg.
Nhiều công ty đang thảo luận về ý tưởng "khu vực hóa". Tức là tìm nguồn cung hoặc lập nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới. Sau đó, các cụm sản xuất của từng khu vực sẽ cung cấp cho khách hàng ở những thị trường gần nhất. Vì thế, nếu một nhà máy đóng cửa ở một nơi, nó sẽ chỉ ảnh hưởng đến doanh số ở vài thị trường lân cận, thay vì tác động đến cả những nơi khác.
Các công ty khác thì xem xét mở rộng nhiều hơn ở trong nước, đưa hoạt động sản xuất trở lại quê nhà.
Nhiều CEO từng thực hiện các ý tưởng trên cho rằng chúng quá tốn kém và không hiệu quả. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều công ty lo ngại với việc tập trung quá nhiều sản xuất vào một nơi - thường là châu Á - để giữ chi phí thấp. Sự gián đoạn từ đại dịch càng khiến họ thận trọng.
"Mô hình cho sản xuất và chế tạo đã được thiết lập ổn định trong 20 năm qua", Christian Lanng - đồng sáng lập kiêm CEO Tradeshift Network bình luận, "Covid-19 và chiến tranh thương mại đang khiến bàn cờ này xáo trộn. Mọi người đang cố gắng nghĩ xem giờ có thể đặt các quân cờ ở đâu".
Một khảo sát tháng 5 của Viện Quản lý Cung ứng (Mỹ) cho thấy gần một phần tư doanh nghiệp đang lên kế hoạch hoặc đã bắt đầu chuyển hoạt động về gần quê nhà. Cùng tháng đó, 93% CEO cho biết với McKinsey & Co rằng sẽ xem xét khả năng đại tu chuỗi cung ứng.
Branch Furniture, một công ty khởi nghiệp về đồ nội thất văn phòng ở New York, gần đây đã làm việc với hai nhà sản xuất ở California để tung ra dòng sản phẩm tấm và vách ngăn mới. Đồng sáng lập Branch Furniture Verity Sylvester cho biết phần lớn đồ nội thất khác của Branch vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bà quyết định tăng sản xuất trong nước vì không thể đến Trung Quốc để xem mẫu và giám sát như trước. "Tôi cũng muốn có một số sản phẩm làm tại Mỹ", bà nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn do dự, đặc biệt là khi sự gián đoạn ban đầu đã giảm bớt và thương mại toàn cầu đã phục hồi. Việc thiết lập chuỗi cung ứng mới rất tốn kém, còn nhu cầu duy trì sản xuất ở các nước có chi phí thấp lại quá lớn.
Carter McNabb - chuyên gia tại hãng tư vấn GRA Supply Chain cho biết đại dịch "dường như không phải là yếu tố thay đổi nền tảng trong cách thức vận hành chuỗi cung ứng. Nhưng nó chắc chắn đã tạo ra một khoảng dừng để các doanh nghiệp xem xét nhiều hơn về rủi ro và khả năng phục hồi".
Nhiều người cũng nhận ra việc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc rất khó khăn. Các nhà máy tại đây đã nhanh chóng mở cửa trở lại, trong khi các nước khác vẫn đang vật lộn kiểm soát Covid-19.
Theo phân tích gần đây của S&P Global Ratings, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn ổn định ở hầu hết nhóm sản phẩm chính, giảm nhẹ ở thiết bị văn phòng và máy tính nhưng tăng ở các danh mục như thiết bị vận tải và máy móc điện. Nhìn chung, xuất khẩu phi nhiên liệu của Châu Á - Thái Bình Dương đã cao hơn hoặc tiến gần mức trước Covid-19 và trước chiến tranh thương mại. Điều này cho thấy chưa có bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Rajiv Biswas - kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit lý giải: "Do việc đóng cửa và lệnh cấm đi lại, rất khó để chuyển chuỗi cung ứng vào giữa đại dịch. Bạn phải tiếp cận chính phủ để xin phép. Rất khó để làm tất cả những việc này từ xa. Tôi nghĩ rằng điều đó đang làm tăng thêm sự chậm trễ. Tuy nhiên, khi các hạn chế được nới lỏng, chúng ta sẽ thấy các hoạt động đó tăng lên".
Một trong số các công ty đang dịch chuyển là Amaero International (Australia), một công ty in 3D các linh kiện hàng không vũ trụ và quốc phòng từ bột titan. Vì đại dịch, Amaero đang nhanh chóng lên kế hoạch xây một nhà máy mới ở quê nhà, để giảm bớt lượng bột lấy từ các nhà cung ứng trên thế giới.
Giám đốc Chiến lược Amaero Stuart Douglas cho biết so với tiền đại dịch, hiện họ tốn gấp đôi thời gian để đưa bột từ các nhà máy ở Trung Quốc đến Australia. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trước khi đại dịch xảy ra. Nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây "đã khiến chúng tôi bấm nút khởi động sớm hơn," ông nói.
Phiên An/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/covid-19-chua-thay-doi-dang-ke-chuoi-cung-ung-toan-cau-4212989.html