Thương mại điện tử năm 2020 thực sự chuyển mình trở thành chiến lược chủ chốt để các DN đối phó với đại dịch và phát triển kênh phân phối mới.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương,… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít DN đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất…
Trước bối cảnh của dịch Covid-19, rất nhiều DN Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT), cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Một thực tế rằng, khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để TMĐT ngày càng phát triển.
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020.
Có thể nhận thấy, năm 2020 là năm bản lề cho việc chuyển mình của các DN Việt khi ứng dụng công nghệ số và TMĐT để phát triển kênh phân phối mới. Nhiều DN đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến và đẩy mạnh TMĐT là một trong các giải pháp được 14,6% DN lựa chọn để đối phó với đại dịch nên TMĐT đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho DN Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Chính bởi thế dù khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, TMĐT năm 2020 vẫn chứng kiến những sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là các DN sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn, để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, nhưng cũng chính là “cú huých” đáng kể với TMĐT. “Nhiều DN và người tiêu dùng trước đây chưa từng bán hàng trực tuyến nay đã bán trực tuyến. Covid-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Với mục tiêu của Chính phủ đã được đề ra cùng sự đồng lòng của DN và người tiêu dùng, thời gian tới TMĐT chắc chắn sẽ có bước khởi sắc đột phá”.
TMĐT sẽ có những biến thể mới trong xu hướng mới
Thời gian qua, với chức năng quản lý và phát triển TMĐT, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ DN ứng dụng , từng bước đặt nền móng cho các hạ tầng phát triển TMĐT tại Việt Nam như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn…
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, việc kích cầu cũng như hình thành thói quen mua sắm trực tuyến, đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng doanh số của các sàn TMĐT, nhất là các sàn TMĐT lớn.
“Sự vào cuộc kịp thời của các sàn TMĐT đã góp phần cho tăng trưởng thương mại điện tử B2C tại Việt Nam. Ngoài việc chú trọng phát triển sản phẩm và thị trường, thời gian qua các DN TMĐT cũng đẩy mạnh việc chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa tạo thêm uy tín và sự thuận tiện cho người tiêu dùng”, bà Huyền cho biết.
Ngày 8/8 hàng năm sẽ là ngày mua sắm trực tuyến ASEAN.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX cho rằng, với TMĐT, kinh doanh, mua bán trên internet đều dựa trên niềm tin, nên DN nhất thiết cần phải xây dựng cho mình thương hiệu tốt trên mạng internet.
Đối với những DN nhỏ, không đủ tiềm lực để xây dựng thương hiệu vẫn có thể tham gia các liên minh thương hiệu, mua nhượng quyền thương hiệu hoặc hợp tác với các thương hiệu uy tín khác để phát triển.
“Nếu DN chịu khó tập trung, cố gắng và kiên trì thì vẫn có thể dễ dàng làm được TMĐT. Các DN cần có lợi thế thực sự về chất lượng và giá cả sản phẩm dịch vụ khi kinh doanh trên internet. Muốn được như vậy, DN có thể tham gia các liên minh về chuỗi cung ứng, sử dụng hàng hoá dịch vụ của nhau”, ông Hùng chia sẻ bí quyết.
Từ năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai Chương trình GoOnline, với nhiệm vụ đồng hành cùng DN trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.
Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay. Đối tượng nhắm đến là các nhà sản xuất, kinh doanh, DN, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.
Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như triển khai chương trình hỗ trợ DN lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các DN khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline…/.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-2020-cu-huych-tu-dai-dich-covid-19-827916.vov