Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc phân bổ không đồng đều vaccine có thể khiến kinh tế thế giới mất 9.200 tỷ USD.
Nghiên cứu trên do Phòng Thương mại Quốc tế (Mỹ) ủy quyền thực hiện. Trong khi đó, một nghiên cứu tương tự của Rand Corporation ước tính, tổn thất hàng năm có thể đạt 1.200 tỷ USD. Nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart cho biết, tăng trưởng toàn cầu trong năm nay có thể thấp hơn một nửa so với ước tính 4% của World Bank, nếu việc phân phối vaccine không diễn ra nhanh chóng.
Công cụ theo dõi Vaccine Tracker của Bloomberg cho biết, trung bình 4,54 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm mỗi ngày trên khắp thế giới trong tuần trước. Tuy nhiên, Mỹ và Anh chiếm khoảng 40% trong số 119,8 triệu liều được theo dõi trên toàn cầu.
Trong khi đó, các nước đang phát triển và mới nổi chưa có nhiều chuyển động trong việc tiêm vaccine. Ở châu Phi, chỉ Ai Cập, Morocco, Seychelles và Guinea được ghi nhận bắt đầu tiêm vaccine. Phần lớn Trung Á và Trung Mỹ vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng, hoặc đang tiến triển chậm.
Điều đó có nghĩa, các nền kinh tế mới nổi có nguy cơ tụt hậu hơn nữa về mặt kinh tế và hạn chế khả năng phục hồi. Tệ hơn, việc không chống lại Covid-19 đồng bộ ở mọi nơi trên thế giới có thể dẫn đến nguy cơ biến chủng mới xuất hiện lại gây khó kiểm soát và khủng hoảng kinh tế.
"Với việc virus đột biến, không có quốc gia nào an toàn cho đến khi cả thế giới được tiêm chủng và đạt được miễn dịch theo cộng đồng", Chua Hak Bin, Nhà kinh tế cấp cao của Maybank Kim Eng Research ở Singapore, đánh giá.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Sinovac Covid-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 4/2. Ảnh: Bloomberg.
Những tính toán như vậy khiến các nước giàu chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chia sẻ kho vaccine của họ, mặc dù dân chúng tại đó có thể không ủng hộ sự hào phóng như vậy. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy có sự tích trữ đang diễn ra.
Các quốc gia châu Âu đã xảy ra bất hòa về khả năng tiếp cận vaccine, giống như tình trạng từng xảy ra với các thiết bị bảo hộ cá nhân cách đây một năm. Trong khi đó, chương trình hỗ trợ tiếp cận vaccine đang được các nền kinh tế lớn nhất tài trợ lại không đủ năng lực cần thiết.
Theo phân tích của Gavekal Dragonomics, ở Trung Quốc, quốc gia đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi kiểm soát được virus, có dấu hiệu thiếu khẩn trương và tụt hậu so với phương Tây trong việc triển khai vaccine.
Một số nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới có thể sớm được cứu trợ thông qua sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ gửi 97,2 triệu liều vaccine đến Ấn Độ trong đợt phân phối đầu tiên. Pakistan sẽ nhận được 17,2 triệu, còn Nigeria nhận được 16 triệu.
Rand Corporation ước tính, cái gọi là quốc hữu hóa vaccine có thể khiến các nước thu nhập cao tiêu tốn 119 tỷ USD mỗi năm, so với 25 tỷ USD khi chia sẻ vaccine cho các nước thu nhập thấp.
Trong khi đó, nghiên cứu tài trợ bởi Phòng Thương mại Quốc tế và được thực hiện bởi các học giả từ Đại học Koc và Đại học Maryland đã tính toán, 49% tổn thất kinh tế của một đại dịch toàn cầu kéo dài sẽ do các nền kinh tế tiên tiến gánh chịu, ngay cả khi họ tiêm chủng toàn bộ dân mình.
Gần một nửa số giám đốc điều hành được hỏi trong khảo sát của Oxford Economics nói rằng hoạt động kinh doanh của họ vẫn ở dưới mức trước đại dịch trong năm 2021. Hơn 4/5 đánh giá các đợt đại dịch lặp đi lặp lại là một rủi ro đáng kể hoặc rất đáng kể trong trung hạn.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương khi các nước giàu tích trữ liều lượng vaccine, vì hệ thống y tế mỏng manh của họ đang căng thẳng dưới áp lực số ca bệnh ngày càng gia tăng. Họ thiếu nguồn lực sản xuất và phân phối vaccine đủ nhanh như các nước giàu.
Lấy Indonesia làm ví dụ. Đây là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và là nơi sinh sống của 274 triệu người. Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh và tử vong đã tăng với tốc độ kỷ lục. Gần nửa triệu người nước này đã tiêm liều vaccine đầu tiên vào cuối tháng 1, không đạt được mục tiêu của chính phủ là 598.400 cho tháng đó. Quốc gia này hiện là một trong những nước có tỷ lệ dân số ít được tiêm chủng nhất trong 66 quốc gia mà Vaccine Tracker của Bloomberg theo dõi, với 0,3 liều trên 100 người hôm 5/2.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã giải thích một cách thẳng thừng tình thế tiến thoái lưỡng nan do cái gọi là quốc hữu hóa vaccine trong một báo cáo được công bố tuần này với tiêu đề: "Đại dịch không nằm trong tầm kiểm soát ở bất kỳ đâu trừ khi nó được kiểm soát ở mọi nơi".
"Nếu tình trạng sức khỏe cộng đồng nằm ngoài tầm kiểm soát, đó không chỉ là vấn đề kinh tế địa phương, mà còn là vấn đề kinh tế toàn cầu", Monica de Bolle, Thành viên cấp cao tại Viện Peterson và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết. "Nhưng, thật không may, tôi không chắc có người nào thực sự chuẩn bị cho điều này", vị chuyên gia nói thêm.
Phiên An/Vnexpress.net