Hóa đơn tiền điện tháng 3, 4 và 5 của người dân TP.HCM có thể tăng đột biến khi nền nhiệt độ cao nhất tại thành phố này có thể chạm ngưỡng 40 - 42 độ C.
Dự báo, trong tháng 5/2021, nhiệt độ buổi trưa tại TP.HCM có thể đạt mức 40 - 42 độ C (Ảnh: Đại Việt).
Ngày 18/3, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết, việc cung cấp điện cho người dân trong mùa khô tại thành phố đã được lên kế hoạch.
Theo EVN HCMC, lượng tiêu thụ điện điện bình quân trong 15 ngày đầu tháng 3/2021 là 76,5 triệu kWh/ngày, cao hơn so với sản lượng tiêu thụ điện cùng kỳ năm ngoái (76,2 triệu kWh/ngày). Sản lượng điện bình quân tiêu thụ trong tháng 3 ước đạt khoảng 77,3 triệu kWh/ngày, tăng 1,97% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Ngọc Minh, đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP.HCM, cho biết, sản lượng điện bình quân tiêu thụ mỗi ngày trong tháng 4, 5 và 6 sẽ tiếp tục tăng cao, ước đạt từ 79,7 - 81,5 triệu kWh/ngày, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái (73,14 triệu kWh/ngày).
"Tiền điện của các hộ gia đình sẽ có xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô. Bởi nhiệt độ tăng cao sẽ khiến các thiết bị điện, thiết bị làm mát sử dụng nhiều điện hơn. Theo kinh nghiệm vận hành của chúng tôi, khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C thì việc tiêu thụ điện sẽ tăng lên từ 2-3%", ông Minh nói.
Nắng nóng sẽ khiến tiền điện của người dân tăng cao (Ảnh: Đ.V).
Theo ông Minh, cao điểm nắng nóng năm nay sẽ rơi vào đầu tháng 5 với nền nhiệt độ từ 36 - 37 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ thực tế ghi nhận ở TP.HCM có thể ở mức 40 - 42 độ C do mật độ bê tông hóa dày đặc tại thành phố. Thời tiết oi bức sẽ kéo dài từ 9h sáng đến 17h chiều gây khó chịu và mệt mỏi cho người dân.
Chính vì thời tiết oi bức mà nhu cầu sử dụng máy lạnh, tủ lạnh sẽ tăng mạnh. Việc này kéo theo việc sử dụng điện tăng cao dẫn đến hóa đơn tiền điện của người dân cũng tăng "đột biến".
"Nhiều người dân cũng sẽ bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng cao điểm mùa khô. Đây là hiện tượng tâm lý khó tránh khỏi khi hóa đơn tiền điện tăng cao hơn nhiều so với những tháng trước đó", ông Minh nói.
Nhu cầu sử dụng máy lạnh sẽ tăng cao trong mùa khô (Ảnh: Đại Việt).
Theo cơ cấu biểu giá bán điện sinh hoạt của Bộ Công Thương, đơn giá được chia làm 6 bậc. Nếu khách hàng dùng dưới 100kWh (bậc 1, 2) thì giá điện chỉ từ 1.678 - 1.734 đồng/kWh. Tuy nhiên, nếu dùng từ 401 kWh điện trở lên thì đơn giá sẽ chạm mức 2.927 đồng/kWh.
Đại diện EVN HCMC lấy ví dụ, một chiếc máy lạnh mở ở nhiệt độ 28 độ C trong thời tiết 33 độ C sẽ ít tiêu hao điện năng hơn nhiều so với việc mở máy lạnh ở mức 28 độ C trong tiết trời 37 độ C. Chính vì vậy, đơn giá tiền điện của người dân có thể "nhảy" từ bậc 4 lên bậc 6.
Đơn cử như việc, mỗi tháng, một hộ gia đình dùng hết 300kWh điện với mức chi trả tiền điện khoảng gần 690.000 đồng. Tuy nhiên, nắng nóng khiến gia đình này dùng hết 500 kWh/tháng, tức phải trả hơn 1.320.000 đồng.
Như vậy, lượng điện năng gia đình nói trên dùng hơn tháng trước là khoảng 66% nhưng hóa đơn tiền điện đã tăng đến hơn 95%, tức gần gấp 2 lần tháng trước.
Biểu giá bán điện sinh hoạt của Bộ Công Thương được chia thành 6 bậc (Ảnh: Đ.V)
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết, hiện nay, người dân TP.HCM hoàn toàn có thể tự xem được lượng điện tiêu thụ hàng ngày, theo dõi lịch ghi chỉ số, thanh toán tiền điện trực tuyến… qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của đơn vị này.
"Mọi thứ đều thể hiện chi tiết, minh bạch trên ứng dụng. Người dân không cần phải lo lắng về việc ngành điện có tính nhầm lẫn tiền điện cho mình hay không. Nếu người dân có thắc mắc, phản ánh về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện thì chúng tôi sẽ ngay lập tức kiểm tra, xác minh và xử lý trong vòng 24h", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, trong mùa khô người dân cần tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Nhiệt độ máy lạnh chỉ nên chênh lệch khoảng 5 độ C so với nhiệt độ ngoài trời để tiết kiệm điện. Hạn chế việc sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà. Vệ sinh máy lạnh định kỳ để thiết bị hoạt động ổn định, tăng khả năng làm lạnh và tiết kiệm điện năng.
Đại Việt/dantri.com.vn