Các công ty Trung Quốc đang đua nhau niêm yết tại Mỹ với tốc độ cao kỷ lục bất chấp những căng thẳng giữa hai nền kinh tế và nguy cơ bị Mỹ loại khỏi các sàn giao dịch của nước này.
Bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra, xu hướng các công ty Trung Quốc niêm yết trên tại Mỹ vẫn tăng mạnh (Ảnh: Bloomberg).
Dữ liệu của Bloomberg cho biết, các doanh nghiệp từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã huy động được 6,6 tỷ USD thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ trong năm nay. Con số này cao kỷ lục so với đầu năm và tăng 8 lần so với năm 2020. Trong đó, thương vụ IPO lớn nhất là vụ niêm yết 1,6 tỷ USD nhà sản xuất thuốc lá điện tử RLX Technology Inc. Tiếp đó là đợt huy động 947 triệu USD của công ty phần mềm Tuya Inc.
Đáng nói, điều này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có rất ít dấu hiệu giảm bớt. Trong khi đó, mối đe dọa các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ vẫn còn.
Trên thực tế, trong tháng trước, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết, họ sẽ bắt đầu thực hiện một đạo luật cho phép các cơ quan quản lý Mỹ xem xét các số liệu kiểm toán của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không tuân thủ sẽ bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc sàn Nasdaq.
Đạo luật này sẽ khiến các công ty Trung Quốc đại lục gặp rủi ro cao do lâu nay họ vẫn từ chối để các nhà quản lý Mỹ kiểm tra sổ sách kế toán vì vấn đề an ninh quốc gia.
"Họ thừa nhận đây là một rủi ro tiềm năng và nếu điều gì đó xảy ra họ có thể phải đối mặt với khó khăn", Stephanie Tang, người đứng đầu mảng cổ phần tư nhân của Greater China tại hãng luật Hogan Lovells nói và cho biết thêm: "Nhưng bản thân rủi ro sẽ không ngăn cản được các công ty đó đến với Mỹ, ít nhất là trong 6 tháng cuối năm nay hoặc sang đến năm sau".
Bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra, xu hướng các công ty Trung Quốc niêm yết trên tại Mỹ vẫn tăng mạnh. Dự kiến, trong năm 2021 có khả năng vượt năm ngoái.
Năm 2020, công ty Trung Quốc đã niêm yết được gần 15 tỷ USD thông qua các đợt IPO tại Mỹ, cao thứ hai sau mức kỷ lục đạt được năm 2014 khi Alibaba IPO tại Mỹ huy động được 25 tỷ USD.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc trong nền kinh tế mới dường như không ngần ngại khi niêm yết tại Mỹ bất chấp những căng thẳng đang diễn ra. Họ coi đó là một trong những rủi ro nhưng điều đó không thể ngăn cản được họ", Calvin Lai, một đối tác tại Freshfields Bruckhaus Deringer đánh giá.
Hồng Kông những năm gần đây đã nới lỏng các quy định niêm yết nhằm thu hút các công ty niêm yết tại đây, nhưng vẫn không ngăn được các công ty tìm đến với thị trường Mỹ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cả hai. Sau khi niêm yết lần đầu tại Mỹ, họ sẽ tiếp tục niêm yết lần hai tại sàn Hồng Kông nhằm huy động thêm và chống lại những rủi ro hủy niêm yết tại Mỹ.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, các đợt niêm yết thứ cấp như vậy đã huy động được gần 17 tỷ USD trong năm ngoái và hơn 8 tỷ USD trong năm nay.
Nhật Linh/dantri.com.vn