Dòng tiền mới dường như trở nên vô tận trong thời gian gần đây, chẳng những khiến HSX "tê liệt" mà việc giới đầu tư mua bất chấp đã đưa VN-Index tiếp tục đi lên khi thị trường gặp áp lực điều chỉnh.
Chứng khoán ngày càng trở nên gần gũi hơn với nhà đầu tư ở Việt Nam (Ảnh: Retail News Asia).
Phiên giao dịch ngày 1/6 là phiên đầy hụt hẫng với giới đầu tư khi HSX chỉ giao dịch nửa ngày vì nghẽn lệnh.
Trong phiên sáng, một luồng tiền cực "khủng" lên tới hơn 21.762 tỷ đồng đã được nhà đầu tư đổ vào sàn HSX để mua cổ phiếu, khối lượng giao dịch trên sàn này đạt trên 629,4 triệu đơn vị.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến "tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống" và HSX phải ngừng giao dịch ngày 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.
Sau nửa phiên, VN-Index ghi nhận mức tăng 9,73 điểm tương ứng 0,73% lên 1.337,78 điểm; VN30-Index tăng 8,14 điểm tương ứng 0,55% lên 1.482,92 điểm.
Đáng chú ý, chỉ số tăng mạnh nhưng lại nhờ vào lực kéo của loạt trụ bao gồm VCB (đóng góp 5,08 điểm); HPG (đóng góp 2,51 điểm); VIC (đóng góp 2,27 điểm) và VHM (đóng góp 1,26 điểm).
HNX-Index và UPCoM-Index gần như đi ngang trong phiên chiều và tiền dường như chưa chảy mạnh vào cổ phiếu vào hai sàn này như kỳ vọng. HNX-Index tăng 0,61 điểm tương ứng 0,19% lên 318,47 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,11% lên 88,87 điểm.
Có 4.509,84 tỷ đồng được giải ngân trên HNX tương ứng khối lượng giao dịch 201,09 triệu đơn vị; UPCoM có 95,21 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.709,67 tỷ đồng.
Dòng cổ phiếu tài chính có dấu hiệu bị chốt lời sau thời kỳ tăng nóng. Một số mã giảm là LPB giảm 1,2%; TCB giảm 1,1%; CTG giảm 0,9%. Đặc biệt là KLB giảm sàn tới 14,7%; NVB giảm 8,6% và đã lộ khối lượng đặt mua giá sàn; BVB giảm 4,1%.
SHB, BVB, VBB vẫn tăng mạnh song những mã này đã bị rớt khỏi mức trần. Đóng cửa, VBB tăng 7%; BVB tăng 5,3%; SHB tăng 2%.
Tương tự, tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, VCI giảm 2,4%; HCM giảm 2,2%, SSI giảm 1,6% và SHS giảm 1,3%. Nhóm này cũng nhanh chóng bị chốt lời dù đã có một phiên bùng nổ vào hôm 31/5. Tuy vậy, mức giảm chưa sâu và nhiều mã chứng khoán vẫn tăng giá tốt như SBS, ART, CTS trần; AAS tăng 12,7%; ORS tăng 10,9%; BSI tăng 7%; AGR tăng 6,3%; VIX tăng 5,7%....
Ngoài nhóm tài chính, dòng tiền rục rịch trở lại với bất động sản, dầu khí. Cổ phiếu dầu khí hôm qua hầu hết tăng giá: GAS, PLX, BSR, PVS, PVD, PVI, PVT, PLC, PET, PXL, POS, PVC… đều khoác sắc xanh. Tương tự, bất động sản với sự đồng thuận của VIC, VHM, NVL, VRE, KDH, DIG, NLG, HDG, ITA…. cũng đang thu hút chú ý của nhà đầu tư.
Chị Thanh Hương, một nhà đầu tư đã gia nhập thị trường 5 năm chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi chứng kiến giai đoạn mà chứng khoán gây nghiện với nhà đầu tư như hiện nay. Tiền nhiều không kể xiết. Mỗi lần thị trường điều chỉnh, ngay lập tức đã có lực cầu mạnh chặn mua cổ phiếu, tôi có cảm giác chỉ cần bán cổ phiếu là lập tức mất hàng".
Trong báo cáo phân tích của MBS, các chuyên gia tại đây cũng đưa ra nhận xét, rằng dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ và cũng giống phiên trước đó, nhịp võng sau giờ mở cửa đã bị dòng tiền khổng lồ cuốn đi.
Theo CNBC, Việt Nam là thị trường chứng khoán tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 5 với VN-Index tăng 7,15%.
Thị trường Việt Nam tăng bất chấp tình hình Covid-19 gần đây có chiều hướng xấu, với số ca nhiễm mới tăng. Ở phiên này, trước khi sàn HSX ngừng giao dịch trong phiên chiều, thị trường đã có sự đổi trụ khá thành công với sự trở lại của nhóm Vingroup và VCB, trong khi HPG vẫn rất mạnh.
Theo đó, MBS tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.350 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 điểm.
Mai Chi/dantri.com.vn