Trước tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh không chỉ quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch mà còn chủ động các phương án đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Hữu Lũng hiện là địa bàn có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất toàn tỉnh và đang thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch thì việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đã được các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm và triển khai bằng nhiều biện pháp . Ngay từ giữa tháng 5/2021, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Sau đó, đầu tháng 6/2021, UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân theo các cấp độ của dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Vinmart Lạng Sơn. Ảnh: BÙI DŨNG
Bà Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, phòng còn phối hợp với UBND các xã tuyên truyền để người dân không hoang mang, không tích trữ hàng hóa. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30 cửa hàng, đại lý lớn cung ứng hàng hóa thiết yếu. Qua kiểm tra, theo dõi, trên địa bàn huyện không có tình trạng khan hiếm hàng hóa hay găm hàng, tăng giá, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Ông Hoàng Văn Thi, thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Trong đợt dịch bùng phát này, nhà tôi nằm ở “tâm dịch” nên mới đầu tôi cũng hơi lo lắng về vấn đề thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi an tâm bởi nguồn cung hàng hóa tại chợ và cửa hàng vẫn đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả ổn định.
Không chỉ Hữu Lũng, các huyện, thành phố khác trên địa bàn cũng chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù những phương án cụ thể để đảm bảo cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện có hơn 819.900 nhân khẩu, nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân của toàn tỉnh trong một tháng gần 5.800 tấn; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm 4.500 tấn/tháng; rau khoảng 9.840 tấn/tháng… Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm, đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh cũng như tình hình thực tế dịch Covid – 19 diễn ra trên địa bàn, ngày 1/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân theo các cấp độ của dịch bệnh Covid – 19.
Khách hàng mua đồ tiêu dùng thiết yếu tại cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh và chỉ đạo của lãnh đạo sở, để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất tại địa bàn. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình cung – cầu hàng hóa, giá cả thị trường, kịp thời thông tin, khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân được biết, tránh tâm lý hoang mang, tích trữ lương thực, thực phẩm không cần thiết.
Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đã cung cấp danh sách các đơn vị phân phối hàng hóa thiết yếu lớn trên địa bàn cho các huyện, thành phố để chủ động nguồn cung khi có nhu cầu. Cụ thể: đối với nhóm hàng lương thực có 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; nhóm hàng thực phẩm tươi sống có 14 hợp tác xã, trang trại; 6 doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng rau xanh; nhóm hàng tiêu dùng như đường, sữa, nước mắm, bột canh, mì chính… có 20 doanh nghiệp. Hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn vẫn duy trì ổn định, hàng hóa luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu để phục vụ người dân khi có tình huống dịch diễn ra.
Ông Trần Đức Thanh, Quản lý Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên (huyện Cao Lộc) cho biết: Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để cung cấp cho thị trường thời điểm dịch Covid-19, tránh tình trạng tiểu thương trục lợi tạo ra làn sóng thông tin khan hàng, thiếu hàng, tăng giá bất thường để thu lợi, làm ảnh hưởng biến động thị trường và gây hoang mang tâm lý người tiêu dùng. Đợt dịch này, công ty dự trữ số lượng hàng hóa tại kho tăng 15% so với những ngày thường. Theo đó, một số mặt hàng Công ty dự trữ với số lượng lớn như: dầu ăn các loại 550 tấn; mỳ hảo hảo 3.000 – 4.000 thùng; muối i-ốt các loại 600 tấn; bột canh các loại 200 tấn; nước giải khát các loại 40.000 két; đường kính các loại 60 tấn. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ lên đến hơn 16 tỷ đồng.
Không chỉ Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên mà một số doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thiên Phú, Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincom, Công ty TNHH MTV Trần Lệnh Thương (thành phố Lạng Sơn)… cũng đã dự trữ lượng hàng hóa trong kho, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, hàng hóa đa dạng, phong phú, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ găm hàng, tăng giá hàng hóa
HOÀNG MAI/baolangson.vn