Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của tỉnh Lạng Sơn đạt 8,5% và Lạng Sơn nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tuy nhiên, so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công nói chung của tỉnh, thì tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài là rất thấp (giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đến giữa tháng 6/2021 đạt 30% kế hoạch). Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, hiện nay, các chủ đầu tư đang triển khai đồng bộ các giải pháp,
Năm 2021 , tỉnh Lạng Sơn được Bộ Tài chính giao hơn 583 tỷ đồng vốn vay nước ngoài để thực hiện 7 dự án. Đến giữa tháng 6/2021, các chủ đầu tư được giao quản lý vốn đã hoàn thành nhập dự toán để quản lý và giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, khối lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm đối với các dự án đạt thấp, các chủ đầu tư giải ngân được 49,9 tỷ đồng, tương đương 8,5% kế hoạch Bộ Tài chính giao.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, có tới 4/7 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 151 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân. Nguyên nhân chậm giải ngân do vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án; vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án chưa thể triển khai thi công do dịch Covid-19.
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Trường An Lạng Sơn thi công cầu công trình đường Khau Bân-Còn Quan-Nà Lừa huyện Đình Lập
Trước thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài đạt thấp, các chủ đầu tư đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân trong 6 tháng cuối năm như: lập kế hoạch tiến độ thực hiện giải ngân vốn theo từng tháng, quý; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh giải quyết hồ sơ thanh toán đối với các khối lượng đã hoàn thành, nghiệm thu không để dồn vốn đến cuối năm; chủ động rà soát khả năng giải ngân vốn từ nay đến cuối năm của các dự án để điều chỉnh trong phạm vi dự toán được giao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan với kết quả giải ngân vốn nước ngoài.
Năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được trung ương phân bổ hơn 287 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; cấp nước sinh hoạt và nâng cao năng lực quản lý tài sản công thuộc dự án hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn- Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng thực hiện các công trình đạt khoảng 50 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 12,7/287 tỷ đồng, tương đương 4,4% kế hoạch vốn được giao.
Cụ thể, tại Lạng Sơn có 2 dự án đang chậm hoàn thiện thủ tục từ phía các cơ quan trung ương dẫn đến chậm giải ngân, đó là dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn và dự án vệ sinh nước sạch môi trường dựa trên kết quả đầu ra .
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Năm 2021, công ty được phân bổ hơn 75,6 tỷ đồng vốn vay nước ngoài để hoàn thiện dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn. Do bổ sung thêm hạng mục làm tăng tổng mức đầu tư buộc dự án phải điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện, vì thế phải điều chỉnh dự án. Hiện hồ sơ thủ tục đã hoàn thiện và được UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 5/2021, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến dự án chưa có cơ sở để giải ngân vốn. Mặc dù dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn hiện đã cơ bản hoàn thành xây dựng và đang vận hành chạy thử.
Ông Trịnh Tuấn Đông, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Nguyên nhân kết quả giải ngân đạt thấp bởi một số công trình vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khối lượng nghiệm thu chưa bảo đảm giá trị theo từng đợt rút vốn. Để khắc phục những tồn tại này, trong 6 tháng cuối năm, ban tập trung làm tốt công tác phối hợp với các huyện đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và tăng cường đôn đốc, kiểm tra các nhà thầu thi công cũng như nghiệm thu khối lượng làm căn cứ giải ngân. Đối với các dự án trọng điểm, các thành viên Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân và chịu trách nhiệm nếu để kết quả giải ngân không đạt yêu cầu.
Bên cạnh việc các chủ đầu tư phải chủ động rà soát tình hình thực hiện các dự án, đôn đốc các nhà thầu thúc đẩy tiến độ nhằm thúc đẩy giải ngân. Các cơ quan trung ương cũng cần khẩn trương đẩy nhanh việc thẩm định phê duyệt điều chỉnh các dự án đầu tư sử dụng vốn nước ngoài cho các địa phương và hoàn thiện các thủ tục rút vốn để giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2021.
Thời gian dành cho việc giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài chỉ còn 6 tháng trong khi nguồn vốn đầu tư đã được phân bổ còn rất lớn. Vì vậy, các chủ đầu tư cần nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu thi công, tổ chức nghiệm thu hoàn thiện thủ tục giải ngân. Tránh xu hướng tập trung dồn giải ngân vào cuối năm để sớm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư các công trình
TRANG NINH/baolangson.vn