Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đứng đầu thế giới trong suốt một năm qua, thanh khoản phiên đầu tháng 7 cũng tiếp tục khởi sắc.
Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa
Trong phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 7 đã ghi nhận những giằng co, rung lắc mạnh, sau đó tâm lý nhà đầu tư dường như được củng cố hơn sau khi VN-Index đã "kiểm định" lại ngưỡng 1.400 điểm.
Áp lực bán giảm, dòng tiền mạnh dạn giải ngân đã giúp các chỉ số hồi phục mạnh. VN-Index đóng cửa tăng 8,53 điểm tương ứng 0,61% lên 1.417,08 điểm. VN30-Index bứt tốc mạnh mẽ, tăng 16,14 điểm tương ứng 1,06% lên 1.545,14 điểm.
Như vậy, với diễn biến tăng đầu tháng 7, một lần nữa, hai chỉ số VN-Index và VN30-Index lập kỷ lục mới.
Bức tranh thị trường chứng khoán khả quan trong phiên mở đầu tháng 7/2021 (Ảnh chụp màn hình bảng giá VDSC).
HNX-Index cũng tăng 2,4 điểm tương ứng 0,74% lên 325,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,2% lên 90,44 điểm.
Thanh khoản trong phiên đầu tháng 7 cải thiện đáng kể so với những phiên giao dịch cuối tháng 6, một phần nhờ hoạt động cho vay ký quỹ (vay margin) của các công ty chứng khoán phần nào nới lỏng hơn. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch của các quỹ, tổ chức cũng tích cực hơn.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 754,56 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 26.131,41 tỷ đồng. HNX có 151,06 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.580,12 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 79,36 triệu cổ phiếu tương ứng 1.515,31 tỷ đồng.
Phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số. Trong đó, VPB, HPG, GVR, MSN, GAS, TCB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. VPB đóng góp 1,79 điểm; HPG đóng góp 1,57 điểm và GVR đóng góp 1,51 điểm.
Ngược lại, VHM, VIC, CTG, NVL, SAB, BHN giảm giá và phần nào ảnh hưởng tới thị trường, tuy nhiên, mức độ tác động của những mã này không lớn.
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán "sáng" nhất phiên với hàng loạt mã tăng trần: BVS tăng 10%; MBS tăng 9,9%; BSI tăng 9,8%; AGR tăng 6,9%; CTS tăng 6,9%; VDS áp sát mức trần với giá đóng cửa là 26.700 đồng trong khi giá trần là 26.750 đồng/cổ phiếu.
Nhiều mã khác trong ngành này cũng tăng rất mạnh. BSB tăng 7,1%; SHS tăng 6,6%; HCM tăng 5,7%; AAS tăng 5,6%; SSI tăng 4,5%; VND tăng 4,5%; VCI tăng 4,2%...
Cổ phiếu ngành chứng khoán đang hưởng lợi bởi thông tin hệ thống mới của HSX trong ít ngày tới sẽ được vận hành và cải thiện thanh khoản. Hơn nữa, sắp tới kỳ công bố kết quả kinh doanh quý II, doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán dự báo sẽ bội thu.
"Bữa tiệc" của cổ phiếu ngành chứng khoán (Ảnh chụp màn hình).
Trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 250 tỷ đồng. Trong đó, giá trị bán ròng trên sàn HSX của khối ngoại là 235,66 tỷ đồng tập trung tại VPB (273,9 tỷ đồng), MBB, VRE, MSB và CTG.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 9,55 tỷ đồng, tập trung vào các mã VND, BVS, PAN, PVS và bán ròng trên UPCoM hơn 4 tỷ đồng, chủ yếu tại QNS, VEA, VGI.
Chứng khoán Việt "vô địch" thế giới
Thống kê của trang Stockq.org cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang là thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong vòng một năm trở lại đây với mức tăng trưởng 70,71%.
Tính trong giai đoạn nửa đầu năm nay, chứng khoán Việt Nam tăng 28,34% và chỉ đứng sau Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) với mức tăng 32,92%. Trong tháng 6, tăng trưởng của VN-Index với mức 6,67% cũng chỉ đứng sau NBI Biotech Index (chỉ số công nghệ sinh học Nasdaq) là 7,99%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới trong 1 năm qua (Ảnh chụp màn hình Stockq).
Tăng trưởng chứng khoán Việt Nam kể từ cuối quý II năm ngoái đến nay cũng như trong nửa đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia được đánh giá đã kiểm soát tốt Covid-19, tăng trưởng kinh tế ổn định, nền lãi suất duy trì thấp, nguồn tiền "đổ" vào thị trường mỗi ngày một lớn.
Đáng chú ý, trong tháng 6, có những phiên giao dịch, thị trường chứng kiến thanh khoản lên tới trên 30.000 tỷ đồng.
Theo công bố của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trên thị trường chứng khoán cơ sở, tính tới thời điểm 31/5, tổng số chứng khoán đăng ký tại VSD là 183,68 tỷ chứng khoán, tăng gần 3% so với cuối năm 2020. Số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD đạt gần 104 tỷ chứng khoán, tăng hơn 3% so với cuối 2020.
Tính đến ngày 31/5, số tài khoản lưu ký của nhà đầu tư do VSD quản lý thông tin sở hữu là 3.254.169 tài khoản; trong đó 5 tháng đầu năm nay, số tài khoản mở mới là 490.500 tài khoản, tăng 267,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính cùng thời điểm, VSD đã cấp 38.323 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 4.940 tổ chức và 33.383 cá nhân. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua VSD đạt gần 2.143.648 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự kiến, thanh khoản trên thị trường sẽ được cải thiện và tâm lý nhà đầu tư cũng được hỗ trợ đáng kể khi mà chỉ ít ngày tới, FPT và HSX sẽ xử lý xong sự cố nghẽn lệnh, năng lực xử lý số lượng lệnh theo hệ thống mới tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại.
Mai Chi/dantri.com.vn