Gần đây, giá lợn giảm sâu khiến người buôn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngược lại người tiêu dùng vui mừng vì giá thịt đã về mức hợp lý hơn.
Theo khảo sát, giá lợn tại chợ đầu mối Hà Nam đang rất rẻ, dao động khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Thế nhưng theo anh Thực, một thương lái tại chợ, đó là giá của loại chất lượng cao, mã đẹp, thịt ngon. Những con chất lượng không cao giá chỉ dao động 49.000 - 53.000 đồng/kg mà không có ai mua.
"Tôi không nhập lợn về nữa vì lỗ nhiều quá, không bán nổi. Chợ cũng thưa thớt, lợn thì nhiều mà khách ít. Tôi cũng dừng nhập lợn Thái Lan vì lợn trong nước đang rất nhiều", anh Thực cho hay.
Thương lái tại các chợ đầu mối lợn dừng hẳn nhập lợn từ Thái Lan, Campuchia.
Tình trạng lợn rẻ, dư thừa diễn ra ở rất nhiều nơi. Anh Hoàng Xuân Chưng - chủ lò mổ ở Cẩm Giàng (Hải Dương) - cho biết, trước đây, mỗi ngày, anh đều mổ trên chục con lợn nhưng giờ chỉ còn 6-7 con/ngày.
Nguyên nhân chính, theo anh Chưng, là người dân giảm chi tiêu vì dịch Covid-19. Ngoài ra, các trường học, mẫu giáo đóng cửa nên việc học sinh ăn bán trú tại trường cũng tạm dừng. Các trường không nhập thịt dẫn đến tình trạng ế ẩm ngày càng tăng mạnh.
Nhiều lò mổ phải giảm 40-50% công suất.
Hiện tại, giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội dao động 100.000 - 130.000 đồng/kg. Trong đó, thịt nạc vai, mông có giá thấp nhất. Thịt ba chỉ, xương có giá 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt móc hàm cũng chỉ dao động ở mức 85.000-90.000 đồng/kg.
Theo chị Thanh, một người buôn lợn nhiều năm tại miền Bắc, giá lợn đợt này giảm là vì nguồn cung trong nước dồi dào nhưng nhu cầu tiêu thụ lại rất thấp.
"Dịch Covid-19 khiến cho các công ty, xí nghiệp dừng cơm trưa do quy định không tập trung đông người. Các nhà hàng, quán ăn tạm nghỉ thời gian dài, hoạt động trở lại cũng ít khách hoặc giới hạn thời gian, nên họ nhập không đáng kể. Người dân tiêu dùng không mạnh bằng các công ty, xí nghiệp, nhà hàng… nên lợn ế, dư thừa nhiều", chị Thanh nói.
Các sạp bán lẻ tại chợ trước đây có sức tiêu thụ 1-2 con lợn/ngày thì nay cũng chỉ dám nhập nửa con về bán mỗi ngày. Vì lượng nhập vào ít nên giá cao hơn khiến cho giá bán lẻ cũng không giảm sốc.
Thịt lợn tại các chợ đang ế ẩm.
Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 51.000 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, tăng 118% về lượng so với năm 2020. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp, đàn lợn cũng tăng khoảng 11,6% và sản lượng thịt hơi đạt 2 triệu tấn, tăng 8,1% trong 6 tháng đầu năm nay.
Giá thịt lợn giảm khiến dân buôn lo lắng nhưng người tiêu dùng như chị Khánh Linh (Phố Vọng, Hà Nội) lại vui mừng. Bởi theo chị, thu nhập trong lúc dịch bệnh đang giảm nghiêm trọng. Nếu các mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá vùn vụt thì người dân không dám chi tiêu.
"Lúc đỉnh giá, nhiều khi ra chợ, tôi không dám mua thịt lợn. Tôi chuyển sang các loại thức ăn khác đa dạng hơn. Lâu dần thành quen, tôi cũng ít mua thịt lợn hơn hẳn", chị Linh cho hay.
Nguồn cung dồi dào nhưng bán ế ẩm là nguyên nhân dẫn đến giá lợn giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo dự đoán của dân buôn, nếu tình trạng này kéo dài thì giá sẽ có thể giảm nữa.
Thế Hưng/dantri.com.vn