Năm nay, thời tiết thuận lợi, hầu hết người dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều được mùa, hiện nay đã bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, vụ nhãn năm nay lại rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”, giá bán thấp hơn một nửa so với năm trước.
Đồng Tân là một trong những xã có diện tích trồng nhãn lớn của huyện với hơn 32 ha. Cây nhãn là một trong những cây chủ lực trên địa bàn xã, mang lại giá trị kinh tế cao, đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Theo bà con nông dân tại đây, vụ nhãn năm 2021 được mùa nhưng giá bán thấp, chỉ đạt từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, bằng một nửa so với vụ nhãn năm 2020.
Dẫn chúng tôi ra vườn nhãn trước cửa nhà, bà Trần Thị Hoà, thôn Sẩy, xã Đồng Tân cho biết: Nhà tôi có trên 2 ha nhãn, trồng từ năm 2002, sau 3 năm, cây bắt đầu bói và cho thu quả đến thời điểm hiện tại. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả rất cao, sản lượng ước đạt khoảng 10 tấn quả. Nhưng năm nay, giá bán chưa bằng một nửa so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái, gia đình tôi thu nhập được 250 triệu đồng thì năm nay với giá cả ngày càng giảm thế này, chưa chắc thu nhập của gia đình đã đạt 100 triệu đồng.
Người dân thôn Sẩy, xã Đồng Tân chuẩn bị thu hoạch nhãn
Tương tự như ở xã Đồng Tân, nhiều người trồng nhãn trên địa bàn huyện cũng đang ngậm ngùi vì giá bán nhãn rất rẻ. Anh Hoàng Trọng Vinh, thôn Nong Thâm, xã Yên Sơn cho biết: Năm nay, nhãn nhà tôi được mùa, sản lượng gấp đôi so với năm ngoái nhưng lại rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Vụ nhãn năm 2020 còn được từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, năm nay chỉ bán được khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại Hữu Lũng, nhãn được trồng nhiều ở các xã: Đồng Tân, Hoà Sơn, Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn… Những năm gần đây, nhãn trở thành một trong những loại cây ăn quả chủ lực của huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện toàn huyện Hữu Lũng có 423 ha nhãn, trong đó, khoảng 350 ha đang cho thu hoạch. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, sản lượng vụ nhãn năm 2021 ước đạt 3.150 tấn, tăng 182 tấn so với năm 2020. Nguyên nhân giá nhãn năm nay giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt, 50% sản lượng nhãn của huyện được tiêu thụ đến thủ đô Hà Nội. Nhưng thời điểm này, Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, do vậy, thị trường tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến giá bán nhãn giảm xuống còn 10.000 – 15.000 đồng/kg, thậm chí có hộ chỉ bán được 6.000 đồng/kg.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên các sản phẩm nông sản của huyện, trong đó có nhãn gặp rất nhiều khó khăn về giá cũng như thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của huyện nói chung. Để hỗ trợ bà con, chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái đến huyện thu mua và vận chuyển hàng nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, trong tháng 7/2021, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn tại 24/24 xã, thị trấn để hướng dẫn người dân tạo tài khoản đưa các mặt hàng nông sản, trong đó có nhãn lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường.
Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình chăm sóc cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, Phòng NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường quảng bá, kết nối thị trường để chủ động tiêu thụ nhãn, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, tạo thu nhập ổn định từ cây nhãn.
NGUYỄN PHÚC - HỒ DUNG/baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/440799-huu-lung-nhan-duoc-mua-mat-gia.html