Quân đội hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân Kiên Giang

Thứ 4, 25.08.2021 | 08:08:49
1,134 lượt xem

Trong vụ hè thu 2021, tỉnh Kiên Giang xuống giống hơn 281.800 ha và đã thu hoạch xong khoảng 120.000 ha. Từ đây đến cuối tháng 9/2021, Kiên Giang sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu và bắt đầu thu hoạch vụ thu đông. Do công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến giá thành và khó khăn trong khâu thu hoạch và tiêu thụ.

Nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu.

Hiện tại, các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, các huyện Hòn Đất, Gò Quao bắt đầu thu hoạch rộ. Đây là những huyện có diện tích và sản lượng cao ở Kiên Giang.

Giá lúa giảm liên tục

Tân Hiệp là huyện có điều kiện và trình độ cao trong sản xuất lúa. Mặc dù, diện tích sản xuất không bằng các huyện Hòn Đất hay Giồng Riềng, nhưng năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận của người nông dân luôn đứng đầu tỉnh Kiên Giang. Vụ hè thu này, Tân Hiệp là huyện duy nhất không bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19.

Tân Hiệp xuống giống hơn 36.800 ha và đã thu hoạch dứt điểm, năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp Bùi Quốc Duy, do tình hình dịch bệnh ở địa phương được kiểm soát tốt, nên vụ lúa hè thu này không bị ảnh hưởng nhiều. Lúa được thu hoạch sớm hơn các địa phương khác nên nhân công và máy móc không bị động, giá lúa vẫn ở mức khá. 

Tại huyện Giồng Riềng, nông dân cũng thở phào vì vụ lúa hè thu sắp xong. Tuy nhiên, nông dân Giồng Riềng không vui, do cuối vụ giá lúa sụt giảm mạnh. Bà Trần Thị Cum ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng nói: “Giá lúa đầu vụ từ 6.200-6.500 đồng/kg, nông dân có lãi khá. Nhưng do dịch bệnh, giá lúa sụt giảm dần, không có máy gặt đập, không có cò lúa thu mua, nên vào cuối vụ giá lúa chỉ còn 5.200 đồng/kg. Bán với giá này, nông dân không có lãi”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng Cao Quốc Điện thông tin, vụ hè thu này, 19 xã của Giồng Riềng gieo sạ 46.800 ha, diện tích chưa thu hoạch chỉ còn hơn 1.100ha, năng suất bình quân chỉ đạt 5,2 tấn/ha. Các doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân chủ yếu thông qua “cò”. Trong khi “Cò” đã lợi dụng tình hình khó khăn của dịch bệnh nên đã ép giá lúa xuống thấp.

“Vụ thu đông, Giồng Riềng gieo sạ hơn 27.700ha, lúa đang giai đoạn làm đòng, một số chớm chín. Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp siết chặt để phòng chống dịch bệnh, giá lúa đang xuống rất thấp. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch vụ thu đông đúng vào mùa mưa bão, nên nhà nông sẽ bị thiệt hại kép”, ông Cao Quốc Điện lo lắng.

Tại một số địa phương đang thu hoạch như: Hòn Đất, Gò Quao, tình hình khó khăn hơn. Ở Hòn Đất, huyện có diện tích sản xuất và sản lượng đứng đầu tỉnh Kiên Giang đang vào vụ thu hoạch rộ. Theo ông Đặng Công Luận, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, toàn huyện gieo sạ được 78.573 ha, diện tích thu hoạch chỉ hơn 5.460 ha và sẽ thu hoạch rộ trong tháng 9. “Hiện nay, giá lúa xuống thấp, cộng với những khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nên nông dân Hòn Đất vô cùng lo lắng”, ông Đặng Công Luận nói.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao Dương Duy Duyệt cho biết, hiện huyện Gò Quao thu hoạch hơn 4.804 ha/25.232 ha lúa hè thu. Dự kiến đến ngày 28/8, huyện sẽ thu hoạch được 11.085 ha và đến ngày 20/9 sẽ thu hoạch dứt điểm diện tích còn lại. Hiện tại, giá lúa tươi mua tại ruộng từ 5.300-5.600 đồng/kg tùy từng loại giống, giảm từ 300-500 đồng/kg so với tuần trước. Giá liên tục sụt giảm, nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm.

“Đến ngày 23/8, diện tích lúa mà thương lái đặt cọc mua trên địa bàn huyện Gò Quao được 19.932 ha, tương đương 79% diện tích. Diện tích còn lại khoảng 5.300 ha, chúng tôi đang tiếp tục liên kết tiêu thụ cho nhà nông nhưng nhưng rất khó khăn. Thương lái không thể vào địa bàn huyện mua lúa, kể cả đường bộ lẫn đường thủy do các chốt phòng, chống dịch bên ngoài chốt chặn, phong tỏa, kiểm soát...”, ông Dương Duy Duyệt cho hay.

Quân đội vào cuộc

Năm nay, năng suất vụ hè thu tại Kiên Giang thấp hơn những năm trước. Hơn nữa, vụ thu đông lúa cũng đang giai đoạn làm đòng, trong khi tình hình hình bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên chính quyền và nhà nông không thể yên tâm. 

Kiên Giang: Lúa hè thu khó tiêu thụ  -0 

Do thực hiện giãn cách nên nhiều nơi thiếu máy gặt đập.

Theo ông Cao Quốc Điện, do nông dân thu hoạch lúa rơi đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 nên việc huy động máy gặp đập liên hợp từ địa phương khác không nhiều. Người dân cũng không được tập trung nên việc thu hoạch lúa khó khăn, kéo dài, chi phí cao, năng suất giảm. Mặc khác, doanh nghiệp ngoài tỉnh không vào huyện thu mua lúa, doanh nghiệp trong nội huyện thì không đủ kho chứa nên chỉ thu mua được một phần. 

Theo ông Dương Duy Duyệt, hằng năm, sản lượng lúa của Gò Quao chủ yếu tiêu thụ ngoài huyện, nhưng do các chốt phòng, chống dịch Covid-19 và một số vùng lân cận bị dịch bệnh nên thương lái rất khó khăn khi vào địa bàn huyện thu mua. Việc bắt buộc có xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ đối với tất cả những người thu mua nên chi phí tăng cao. Ngoài ra, các lò sấy, kho chứa, cở sở chế biến lượng thực thiếu nhân công và không bảo đảm được 3 tại chổ nên tạm dừng hoạt động…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa, máy gặt đập liên hợp, vận chuyển, nhân công bóc vác lúa… các huyện đã thành lập tổ liên kết sản xuất và thiết lập đường dây nóng để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất, mua bán, vận chuyển, thu hoạch lúa.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống sau thu hoạch như: hệ thống sấy lúa, chà gạo, thu mua gạo bị đóng băng do không thể hoạt động vì thiếu nhân công, không đảm bảo “3 tại chỗ”, chi phí tăng cao. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, những ngày cuối tháng 8, nông dân sẽ thu hoạch thêm khoảng 40.000ha lúa hè thu. Trong tháng 9/2021, hai vụ hè thu và thu đông sẽ cùng thu hoạch với tổng diện tích là 184.000ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn, trong đó 700.000 tấn lúa cần phải vận chuyển tiêu thụ. Đây là một khó khăn mà các cấp chính quyền và các ban ngành trong tỉnh phải có giải pháp để giúp đỡ nông dân tiêu thụ lúa.

Mới đây, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc với Chỉ huy Quân khu 9 bàn kế hoạch hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh, trong đó có lúa hè thu. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Lâm Minh Thành đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải và một số ngành liên quan, xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng để phối hợp với Quân khu 9. 

Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định: “Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, lực lượng vũ trang Quân khu 9 sẽ góp sức cùng với các địa phương trong đó có Kiên Giang để đẩy lùi đại dịch Covid-19 và sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong thu hoạch và vận chuyển nông thủy sản đi tiêu thụ”.

Nguồn nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhan-dinh/quan-doi-ho-tro-thu-hoach-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-kien-giang-661421/
 


VIỆT TIẾN

  • Từ khóa