Thời gian quan, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các bước để thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Việc thực hiện “cửa khẩu số” nhằm tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa cũng như xuất, nhập cảnh.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó, gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK). Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu, từ nhiều năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung phát triển và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng tại các cửa khẩu của tỉnh đẩy mạnh hiện đại hóa trong một số hoạt động tại các cửa khẩu. Rõ nét nhất là việc thực hiện “số hóa” các thủ tục trong hoạt động XNK và xuất, nhập cảnh.
Xe chở hàng hoá xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Từ năm 2010, Cục Hải quan tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện khai báo hải quan điện tử; từ năm 2015 đến nay, việc khai báo hải quan điện tử đã được nâng lên một bước nữa, đó là thực hiện khai thác qua hệ thống Vinass/Vcis. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 90% số doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khai báo qua hệ thống này. Việc thực hiện khai báo trên hệ thống hoàn toàn tự động, nhất là tự động cảnh báo doanh nghiệp những tiêu chí khai chưa chính xác để kịp thời bổ sung, qua đó, giúp doanh nghiệp giảm bớt giấy tờ, thủ tục khai báo, từ đó, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Những năm qua, UBND tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư các khu vực chức năng, các dịch vụ hậu cần logistics, qua đó, hoạt động XNK hàng hóa, xuất, nhập cảnh người và phương tiện qua các cửa khẩu, trong đó có Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh ngày một thông thoáng.
Tuy nhiên, trước nhu cầu hàng hóa XNK ngày càng gia tăng về khối lượng, hạ tầng bến bãi, dịch vụ logistics tại hai cửa khẩu này đều đang bị quá tải. Có những thời điểm hàng hóa ùn ứ cục bộ tại khu vực cửa khẩu do một số khâu giữa các cơ quan, lực lượng tại cửa khẩu chưa đồng bộ. Để giải quyết bài toán, UBND tỉnh đã tính toán đến những giải pháp mang tính dài hạn.
Trao đổi về công tác này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tình trạng ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh hay Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại khu vực cửa khẩu vẫn dựa trên những công nghệ đã cũ, chưa đồng bộ. Để giải quyết những vấn đề này, nhiệm vụ đầu tiên là phải thực hiện chuyển đổi số trọng điểm tại khu kinh tế cửa khẩu, với trợ giúp hiệu quả của các quy trình đã được tự động hóa. Việc phát triển cửa khẩu số không nằm ngoài mục đích liên thông tất cả các cơ quan liên quan như: cảnh sát giao thông, hải quan, biên phòng… đến các doanh nghiệp thông qua nền tảng số.
Bốc xếp công-ten-nơ hàng hóa XNK tại bãi Xuân Cương, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
“Với việc đưa nền tảng 2 chiều vào hoạt động, cơ quan quản lý tại cửa khẩu có thể nắm rõ được hiện có bao nhiêu xe chở hàng đang lên khu vực cửa khẩu để điều tiết, qua đó sẽ chủ động giải pháp xử lý không để ùn ứ xe trong khu vực cửa khẩu. Đối với doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt được có bao nhiêu xe trong khu vực cửa khẩu, tình trạng thông quan trong thời điểm đó… để điều tiết lượng xe chở hàng hóa lên cửa khẩu. Với nền tảng cửa khẩu số, các nhà quản lý, các doanh nghiệp chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể theo dõi được chi tiết, cụ thể lộ trình, quá trình thông quan của phương tiện chở hàng hóa XNK…” – ông Lịch cho biết.
Hiện nay, Sở Thông tin – Truyền thông đang phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn (đơn vị triển khai hệ thống công nghệ thông tin tại cửa khẩu) cơ bản hoàn thiện các bước như: lắp camera định tuyến, cài đặt phần mềm hệ thống, hướng dẫn các đơn vị và doanh nghiệp sử dụng phần mềm… Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn khẳng định: Ngày1/9/2021, quy trình thông quan trên nền tảng cửa khẩu số sẽ được triển khai áp dụng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh.
Theo ông Duy, với việc chuyển đổi số tổng thể và toàn diện 2 cửa khẩu sẽ giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, tạo kết nối đa chiều giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK. Quy trình thông quan hàng hóa được triển khai trên nền tảng số sẽ tăng khả năng tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu, qua đó, giúp công khai, minh bạch hoạt động quản lý tại cửa khẩu, từ đó sẽ phục vụ doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK tốt hơn.
Hoạt động xuất, nhập cảnh, XNK có những thủ tục hành chính mang tính đặc thù tại cửa khẩu biên giới. Việc phát triển cửa khẩu số để cải cách các thủ tục này là yêu cầu tất yếu. Bước đầu Lạng Sơn triển khai và thực hiện cửa khẩu số đối với Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Sau đó sẽ từng bước triển khai đối với tất cả các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế cửa khẩu
TRÍ DŨNG/baolangson.vn