Ngành ôtô cần "chiếc phao" cấp cứu

Chủ nhật, 29.08.2021 | 14:58:38
453 lượt xem

Sức mua giảm khiến doanh nghiệp ôtô khó có khả năng duy trì sản lượng sản xuất tối thiểu để được hưởng ưu đãi, hãng xe mong Bộ Tài chính điều chỉnh tiêu chí này

Đại diện một doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong gần 2 năm qua khiến doanh số bán hàng của các hãng trồi sụt thất thường. Nửa đầu năm 2020, sức tiêu thụ phân khúc xe du lịch giảm sút 35% so với cuối năm 2019 và hồi phục chưa được bao lâu thì đến nửa đầu năm 2021, sức mua lại giảm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó. Với phân khúc chủ lực của nhiều hãng xe nội là xe khách và xe buýt, mức độ sụt giảm doanh số còn lớn hơn nhiều lần.

Sức mua khó hồi phục trong ngắn hạn

Đại diện DN trên nhận định do dịch bệnh kéo dài bào mòn khả năng tài chính của nhiều tổ chức, cơ quan và cá nhân nên nhu cầu mua sắm xe hơi chắc chắn sẽ còn giảm mạnh trong nửa cuối năm nay đến nửa đầu năm 2022, ảnh hưởng mạnh đến sản lượng sản xuất thực tế của các hãng xe. Trong khi đó, DN ôtô trong nước phải đạt sản lượng sản xuất tối thiểu thì mới được hưởng ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế sau giai đoạn 2020. Chẳng hạn, đối với phân khúc xe buýt, xe khách, DN phải đạt sản lượng chung tối thiểu 360 chiếc hay sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe là 200 chiếc trong kỳ tính ưu đãi thì mới đủ điều kiện hưởng ưu đãi. "Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường kéo theo sự biến động liên tục của thị trường cùng với tình hình giao thương giữa các quốc gia bị hạn chế khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất đình trệ, việc DN duy trì được sản lượng tối thiểu sẽ khó khăn gấp đôi. Các mức sản lượng theo quy định tại Nghị định 125 năm 2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 127 năm 2020 đã không còn phù hợp với thị trường" - đại diện DN nêu trên phân tích và đề nghị hạ tiêu chí sản lượng tối thiểu để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Ngành ôtô cần chiếc phao cấp cứu - Ảnh 1.

Sản lượng sản xuất ôtô trong nước sụt giảm do tiêu thụ kém và thiếu hụt nguồn cung linh kiện nhập khẩu .Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Ngoài ra, theo một số hãng xe nội địa, các Nghị định số 122, 125 và 57 đã lần lượt được ban hành vào các năm 2016, 2017, 2020 với mục đích tạo ra các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thị trường ôtô trong nước trước áp lực cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Dù vậy, sản lượng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vẫn tăng trưởng đột biến trong giai đoạn dịch bệnh gần đây, cho thấy chính sách bảo hộ ngành ôtô trong nước hiện vẫn chưa đủ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, gỡ bỏ các rào cản khiến DN khó tiếp cận chính sách ưu đãi thì sản xuất trong nước sẽ gặp khó lâu dài trong bối cảnh sức mua chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Giảm lệ phí trước bạ: Giải pháp cấp cứu

Ghi nhận tình trạng DN hiện rất khó khăn về dòng tiền, tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chỉ rõ cần tiếp tục có chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. "Năm 2020, Chính phủ đã cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Thực tế cho thấy các chính sách này đã phát huy tác dụng, vừa hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Mới đây, một số địa phương như Quảng Nam, Ninh Bình đề xuất cho phép tiếp tục gia hạn áp dụng chính sách này đến hết năm 2021. Do đó, dự thảo nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện" - tờ trình dự thảo nghị quyết giải trình rõ nội dung liên quan đến hỗ trợ phí, lệ phí cho DN ôtô nội.

Cho rằng các chính sách hỗ trợ hiện nay đối với DN ôtô còn chưa thực sự mạnh mẽ, lãnh đạo một DN ôtô cho rằng để giúp ngành ôtô trong nước trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh và có lực để phát triển về sau, cần chính sách cụ thể, tránh chung chung và phải bám sát vào tình hình thực tế. "Tiêu thụ ôtô ế ẩm do đại dịch đã ảnh hưởng đến kinh doanh, lắp ráp xe trong nước. Bởi vậy, một số chính sách ưu đãi cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tuy vẫn duy trì nhưng không giúp ích được cho DN do DN không đạt tiêu chí hoặc nhiều lý do khác. Giải pháp cấp cứu hiện nay là ưu đãi trực tiếp trên mỗi sản phẩm xe hơi được tiêu thụ, chẳng hạn tiếp tục gia hạn giảm lệ phí trước bạ từ đầu 2021 đến hết năm để động viên DN tiếp tục cầm cự cũng như hỗ trợ người tiêu dùng" - vị lãnh đạo DN này nêu.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết đã nhiều lần đề nghị tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa chính thức phê duyệt. Đề xuất này được VAMA miệt mài đưa ra bởi đây là "chiếc phao" cuối cùng cho DN trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến nhiều DN không đạt sản lượng lắp ráp tối thiểu để được miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ôtô. Về lâu dài, cũng theo VAMA, để ngành ôtô trong nước phát triển bền vững, cần có chính sách đột phá, xuyên suốt và đồng bộ. Trong đó, chú ý đến chính sách phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước để tạo lợi thế cạnh tranh cũng như giảm giá thành. Nếu có chính sách tốt, các hãng ôtô chắc chắn sẽ tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất.


Phương Nhung - Nguyễn Hải/nld.com.vn

https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/nganh-oto-can-chiec-phao-cap-cuu-20210828205345235.htm 

  • Từ khóa