Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mặc dù các địa phương đã có giải pháp gỡ khó, nhưng vẫn còn một số lượng lớn hàng hóa vào vụ thu hoạch mà chưa tìm được đầu ra…
Công nhân Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, thuộc Tập đoàn TH TrueMilk phân loại nhãn trước khi đưa vào chế biến. Ảnh: NGỌC TUẤN
Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đang chậm hơn so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Trong khi đó, giá vật tư sản xuất tăng từ 10 đến 40% so với đầu năm 2021 và đang có xu hướng tiếp tục tăng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân.
Lượng nhiều, giá thấp
Hiện tỉnh Sơn La đang phải tìm đầu ra cho khoảng 13.000 tấn nhãn chín muộn, 474 tấn long nhãn, hơn 3.000 tấn chanh leo và khoảng 25 tấn chuối vào vụ thu hoạch. Ðồng thời trước mắt phải nhanh chóng tiêu thụ khoảng 33.000 tấn sơn tra bắt đầu chín tại các huyện. Thực tế, đã có những diện tích sơn tra chín nhưng buộc phải để rụng do không tiêu thụ được.
Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một đại lý chuyên thu mua sơn tra tại huyện Mường La cho biết: Hằng năm vào vụ sơn tra, đại lý thu mua rồi chuyển đi các tỉnh mỗi ngày 5 đến 7 tấn quả tươi với giá mua tại vườn khoảng 27.000 đồng/kg. Năm nay, do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội cho nên việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, các cơ sở thu mua ngoài tỉnh dừng hoạt động nên hiện nay đại lý đang tồn khoảng bảy tấn sơn tra khô của vụ trước. Mặc dù hiện tại, giá sơn tra tươi giảm chỉ còn 3.500 đến 4.000 đồng/kg nhưng bà Thanh cũng không dám mua vào vì không biết xuất đi đâu.
Ông Thào A Pạnh, ở bản Ðin Lanh, xã Chiềng Công chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha sơn tra, trong đó gần 1 ha cho thu hoạch nhưng từ đầu vụ đến nay mới hái bán được hai tạ với giá 3.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mọi năm.
Không chỉ sơn tra, các sản phẩm khác của Sơn La như nhãn, chanh leo, chuối... sắp thu hoạch cũng đang cần tính trước kế hoạch tiêu thụ. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, thuộc Tập đoàn TH TrueMilk, thông tin:
Hiện đơn vị mới thu mua sản phẩm nhãn quả để làm nước ép, tuy nhiên sản phẩm muốn vào được nhà máy phải đạt tiêu chuẩn VietGAP trở lên, nên cũng chưa thu mua được nhiều. Hiện đơn vị đang lắp đặt thêm hai dây chuyền để tiến tới hỗ trợ tiêu thụ cam, xoài cho nông dân nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng, khó hoàn thiện đúng dự định.
Còn tại tỉnh Lào Cai, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Tân Phong, toàn tỉnh hiện có gần 3.900 ha chuối mô, trong đó có 215 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; tập trung chủ yếu tại ba huyện Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương. Tổng sản lượng thu hoạch chuối cả năm nay ước khoảng hơn 85.000 tấn quả. Sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng 9 là hơn 17.000 tấn quả. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, có khoảng 370 tấn chuối chín không bán được, thối hỏng bỏ đi do có thời điểm phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thiệt hại khoảng chín tỷ đồng.
Cũng với mặt hàng chuối, tại tỉnh Lai Châu, chuối đang đến kỳ thu hoạch nhưng rất khó bán và giá sụt giảm nghiêm trọng. Ông Màng Văn Thanh, thôn Ðoàn Kết, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho biết: Gia đình có hơn 1 ha chuối, trước đây thu nhập trông chờ hoàn toàn vào tiền bán chuối nhưng giờ giá thấp mà cũng không có người mua, chỉ có thể tận dụng cho gà, lợn ăn. Nhìn chuối chín trên cây tiếc lắm nhưng thu về cũng chẳng biết làm gì. Toàn huyện Phong Thổ có hơn 4.000 ha chuối, mỗi năm thu hoạch hơn 50.000 tấn quả, nhưng từ đầu năm đến nay mới xuất bán được hơn 20.000 tấn, nếu dịch Covid-19 kéo dài thì khoảng 30.000 tấn quả chưa biết sẽ tiêu thụ ra sao.
Ngoài sản phẩm chuối, hiện Lai Châu còn tồn một lượng lớn chè khô. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển chè Tam Ðường Lai Châu cho biết: Hiện công ty đang tồn gần 700 tấn chè khô. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất bán rất khó khăn, nhất là trong điều kiện Lai Châu có hơn 80% sản phẩm chè phụ thuộc vào thị trường Trung Ðông, nên khi có vướng mắc là ách tắc gần như toàn bộ hàng hóa.
Sản phẩm chuối đang tồn ứ nhiều tại thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TRẦN TUẤN
Đa dạng kênh tiêu thụ
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) Vương Thế Mẫn cho biết: Hiện huyện đã trao đổi trực tuyến với huyện Kim Bình (Trung Quốc) và đặt vấn đề rõ là trong điều kiện dịch Covid-19 thì huyện bạn tạo điều kiện thu mua nông sản Lai Châu nói chung và huyện Phong Thổ nói riêng. Một số mặt hàng chủ đạo như chuối, mía… cũng đã được đề cập trong biên bản ghi nhớ giữa Kim Bình và Phong Thổ.
Ngoài ra, huyện cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tìm các kênh xuất khẩu khác để đẩy mạnh thu mua nông sản cho người dân. Về lâu dài, huyện vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm từ chuối như nấu rượu, chuối sấy khô, sản xuất tơ sợi từ thân cây chuối nhằm giúp nông dân bớt phần thiệt hại.
Ðối với sản phẩm sơn tra, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Sơn La, Phùng Mạnh Hiệp cho biết: Sở sẽ làm việc với Tập đoàn TH TrueMilk đề nghị bổ sung công nghệ chế biến sơn tra vào “Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ” để sớm ổn định đầu ra sản phẩm này. Ðồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối đưa sản phẩm “Táo sơn tra Sơn La” lên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Lazada, Shopee... nhằm đa dạng các kênh tiêu thụ.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19 cũng đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu nông sản.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết: Hiện Tổ công tác đã phối hợp Hội đồng Khoa học Hợp tác xã nông nghiệp số hoàn thiện xây dựng khung hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản khu vực phía bắc. Ðến nay đã có 23/31 địa phương cử đầu mối phối hợp Tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, Tổ cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kết nối với các tập đoàn viễn thông, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ số hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ. Ðồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên) xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, thực hiện các mô hình điểm tiêu thụ nông sản cho các địa phương với phương châm “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thong-duong-cho-nong-san-mien-bac-663692/