Sau 3 năm lên núi trồng nho hạ đen, chị Triệu Thị Nga (Bắc Kạn) đã thành công với mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mang nho lên núi
Từng trải qua nhiều công việc, chị Triệu Thị Nga, sinh năm 1973 ở xã Thượng Quan (Ngân Sơn, Bắc Kạn) rẽ hướng sang trồng nho hạ đen. Năm 2018, trong một lần tình cờ, chị biết được ở Lạng Sơn đang trồng giống nho hạ đen của Trung Quốc. Sau khi tìm hiểu, chị thấy mô hình này khá hay và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã sang tỉnh bạn xem thử.
Chị kể tháng 3/2018, chị đánh xe sang tận Lạng Sơn tham quan vườn trồng nho hạ đen. Thấy tiềm năng, chị mạnh dạn bỏ ra 50 triệu đồng để mua 1.000 cây giống về trồng. "Giờ nghĩ lại thấy ngày xưa mình khá liều lĩnh, vì lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là mô hình này hay, tốt nên làm thôi", chị nói.
Sau khi đã có cây giống, chị Nga bắt đầu tìm kiếm vùng đất trồng cho phù hợp. Chị thấy ở xã Thượng Quan có mảnh đất đồi khá rộng, người dân chưa khai hoang nên chị đã đề xuất thuê lại canh tác trong thời gian dài.
Chị Triệu Thị Nga bên vườn nho.
Tuy nhiên, trong 2 năm đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc, chị trồng nho không ra quả và cây bị nhiễm bệnh rất nhiều. Nếu áp dụng đúng phương pháp, chỉ sau một năm là nho đã cho quả.
"Thời gian đầu, tôi khá khủng hoảng bởi bao nhiêu tiền đều đổ hết vào vườn nho. Tiền giống thì chỉ có 50 triệu đồng nhưng tiền chăm sóc, cải tạo đất đai, làm nhà vườn mỗi năm đều ngốn 200 triệu đồng. Cho nên, lúc đó, tôi phải vay mượn ngân hàng, bạn bè để bù vào tiền phí đầu tư, thuê nhân công", chị cho biết.
Vườn nho hạ đen của chị Nga.
Đứng trước những thách thức, chị Nga quyết tâm nghiên cứu, tìm ra bằng được cách trồng nho hạ đen. Chị nhận ra, giống cây này sống khỏe nhưng lại khó chăm sóc do hay mắc bệnh về lá, bởi lá mà bị nấm, cây sẽ không ra quả.
"Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có những tháng mưa rất nhiều, độ ẩm cao nên cây thường bị vấn đề về lá. Do đó, tôi cần có một dàn mái để che cho lá cây không bị ngấm nước. Hơn nữa, việc cắt tỉa cành, lá cây cũng phải tuân theo quy trình để đạt được năng suất tốt nhất", chị nói.
Thu quả ngọt
Sau những ngày tháng nỗ lực, vào cuối năm 2020, chị Nga thu hoạch được 1 tạ nho, đến tháng 6 vừa qua số lượng nho tăng lên là 3 tấn.
Thông thường, một năm có 2 vụ nho, một vụ rơi vào tháng 6, một vụ là vào tháng 11. Với cây phát triển ổn định, năng suất tốt như hiện nay, chị thu về 3 tấn/vụ.
"Giá bán buôn nho tại vườn là 130.000 đồng/kg, bán lẻ là 150.000 đồng/kg, tính sơ sơ là mỗi vụ tôi thu về 450 triệu đồng. Như vụ nho tháng 6, tôi bán lẻ hết cho khách đến tham quan ở vườn và gần như không bán buôn", chị tiết lộ.
Những chùm nho chín mọng tại vườn.
Nói thêm về mô hình, chị Nga cho biết, ngay từ khi trồng nho, chị xác định sẽ kinh doanh theo hướng bán nho tại vườn. Vườn nho mở khi thu hoạch để khách được đến tận nơi trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh và mua nho. Với cách thức này, nho chị bán ra vừa được giá mà không mất công vận chuyển, không bị lái buôn ép giá.
"Nếu mình làm những thứ ai cũng làm thì rất khó cạnh tranh, cho nên, tôi muốn đi theo một hướng mới, tạo ra sự khác biệt. Như ngày trước, mọi người muốn tham quan vườn nho phải bay vào Ninh Thuận. Nhưng xét lại, không phải ai cũng có điều kiện để làm điều đó, nên tôi muốn ở Bắc Kạn cũng có một mô hình tương tự", chị bày tỏ.
Để mô hình được nhiều người biết đến, 7X người Tày mở cửa miễn phí, chào đón tất cả khách đến vườn tham quan. Nếu ai muốn mua nho, mọi người sẽ được nếm thử trước, sau đó là chọn chùm để nhân viên nhà vườn lấy xuống.
Hiện nay, ngoài trồng nho, chị Nga còn thuê thêm 1 ha đất để trồng các loại cây khác như sim, táo, khoai lang mật, dưa mán. Đồng thời, chị cũng nhân giống nho và bán giống cho khách hàng ở các tỉnh.
Trao đổi với Dân trí, bà Đinh Thị Hường, cán bộ xã Thượng Quan (Ngân Sơn, Bắc Kạn) cho biết, vài năm trước chị Trần Thị Nga đã đến địa phương thuê đất trồng nho, sau đó thì trồng thêm vài loại cây khác. Theo đánh giá, mô hình này tốt khi mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra công ăn việc làm cho bà con ở địa phương.
Hoàng Dung/dantri.com.vn