Chứng khoán phiên đáo hạn phái sinh biến động mạnh phút cuối do bị "đạp trụ" trong khi phần lớn cổ phiếu tăng giá. Trong khi nhóm bất động sản khởi sắc, QCG tăng trần thì "họ" Vingroup đồng loạt giảm.
"Vỏ đỏ xanh lòng"
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F2110, VN30-Index và VN-Index đã có biến động mạnh vào cuối phiên (đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa - ATC) sau khi lình xình đầy khó chịu trong gần hết phiên giao dịch.
VN-Index đóng cửa mất 9,03 điểm tương ứng 0,65% còn 1.384,77 điểm trong khi VN30-Index giảm tới 15,77 điểm tương ứng 1,05% còn 1.489,26 điểm.
Diễn biến trên sàn HNX trái ngược. Chỉ số HNX-Index vẫn giữ được trạng thái tăng 0,16 điểm tương ứng 0,04% lên 388,45 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,09% lên 99,77 điểm.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía các mã tăng. Thống kê có 521 mã tăng giá trên cả 3 sàn với 69 mã tăng trần trong khi phía giảm là 428 mã, có 9 mã giảm sàn.
Như vậy, tình trạng giảm giá ở hai chỉ số VN-Index và VN30-Index đơn thuần chỉ đến từ tình trạng "đạp trụ". Trong mức giảm chung của chỉ số hôm nay, thiệt hại do VIC là 1,3 điểm; do GAS là 1,16 điểm; VHM là 1,03 điểm; VCB là gần 0,98 điểm và MSN hơn 0,9 điểm. Có tới 27 mã trong rổ VN30 giảm giá (ngoại trừ KDH tăng 1,4%; HPG tăng 0,5% và PDR tăng 0,3%).
Một số mã có mức giảm khá mạnh là VJC giảm 3%; SAB giảm 2,1%; VPB giảm 2%; POW giảm 2%; MSN giảm 2%; GAS giảm 2%. Các mã lớn như VIC, VRE, VHM, VCB, VNM cũng giảm mạnh.
Cổ phiếu bất động sản, phân bón và dòng penny nổi sóng
Trong khi giao dịch trên thị trường lình xình thì cổ phiếu ngành bất động sản, đặc biệt là những mã penny thuộc ngành này "bùng nổ". Hàng loạt cổ phiếu như HQC, ITC, LGL, NBB, NTL, QCG, TDH tăng trần. Nhiều mã có dư mua giá trần rất lớn như HQC còn dư mua trần gần 11,3 triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp đạt 20,3 triệu đơn vị.
QCG của Quốc Cường Gia Lai có phiên tăng thứ 4 liên tiếp từ mức giá 7.590 đồng của phiên 15/10 hiện đã tăng lên 8.970 đồng. Khối lượng giao dịch tại QCG ở phiên này cũng tăng mạnh so với các phiên trước đó, đạt gần 1,8 triệu đơn vị trong khi khối lượng trung bình trong vòng một tháng qua chỉ là 631 nghìn cổ phiếu/phiên.
Đáng chú ý, TDH trong ngày đầu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt chỉ được giao dịch vào phiên chiều thì đã đảo ngược trạng thái từ mức giá sàn 9.860 đồng vào đầu phiên chiều lên mức giá trần 11.300 đồng lúc đóng cửa, dư mua giá trần còn hơn 3 triệu đơn vị. Như vậy, nhà đầu tư nếu kịp "bắt sàn" thì đã lãi trong phiên hơn 13%.
Ngoài ra, DRH cũng tăng 5,1%; DIG tăng 4%; SZL tăng 3,9%; DXG tăng 2,6%; SCR tăng 2,3%. Nhóm cổ phiếu "họ FLC" là FLC và AMD cũng lần lượt tăng 3,9% và 4,7%.
Dòng cổ phiếu ngành phân bón cũng tăng giá tích cực. DGC tăng 1,8%; DPM tăng 2,8%; BFC tăng 2,2%; VAF tăng trần; PSW tăng trần; PSE tăng trần. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành thép cũng khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh quý III tích cực, có thể kể đến HPG, HSG, TVN, NKG, POM, TLH, VGS, HMC.
Một diễn biến khá bất ngờ là mặc dù trước phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thế giới đã phá đỉnh nhưng cổ phiếu ngành dầu khí lại diễn biến không mấy tích cực, nhiều mã bị chốt lời khá mạnh. Theo đó, BSR, PLX, PVS, PET, PTL, PVC, ASP, APP đều giảm giá.
Sáng nay, giá hợp đồng dầu WTI được giao dịch sát ngưỡng 84 USD/thùng, dầu Brent trên mốc 86 USD/thùng. Trước đó, chốt phiên giao dịch 20/10, dầu thô Brent tăng gần 1% lên 85,82 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2018; dầu WTI giao tháng 11 của Mỹ, đáo hạn vào ngày 20/10, tăng hơn 1% lên 83,87 USD/thùng, trong khi giá hợp đồng giao tháng 12 tăng 98 cent lên 83,42 USD/thùng.
Thanh khoản thị trường giảm trong phiên VN-Index điều chỉnh (Ảnh chụp màn hình).
Ở phiên này, chỉ số giảm nhưng thanh khoản lại thấp hơn đáng kể so với phiên trước. Khối lượng khớp lệnh trên HSX chỉ còn 21.014 tỷ đồng với 709 triệu cổ phiếu được giao dịch. HNX có 117 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.186 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là gần 84 triệu cổ phiếu tương ứng 1.608 tỷ đồng.
Mai Chi/dantri.com.vn