Xuất khẩu gạo đón “làn sóng” phục hồi

Thứ 7, 27.11.2021 | 09:25:12
246 lượt xem

Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đã khiến chuỗi cung ứng, tiêu thụ gạo bị gián đoạn. Do đó, những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp cần tăng tốc để tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Ðóng gói gạo tại nhà máy của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ). Ảnh: ÐỨC THANH

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 5,2 triệu tấn, với kim ngạch hơn 2,7 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc.

Đẩy mạnh giao hàng dịp cuối năm

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết: Hai tháng cuối năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội phục hồi và bứt phá vì dịch Covid-19 trong nước đang dần được kiểm soát, hoạt động của các doanh nghiệp đã ổn định hơn. Mặt khác, hầu hết các thị trường thế giới cũng đều đã quay trở lại với nhu cầu khá lớn cho tiêu dùng dịp cuối năm sau một thời gian bị gián đoạn nguồn cung do dịch Covid-19 bùng phát ở cả thị trường xuất và nhập khẩu. Ðối với Công ty Trung An, đơn hàng cho hai tháng cuối năm khoảng 30.000 tấn gạo chất lượng cao đang được đẩy mạnh giao cho các thị trường, như: châu Âu khoảng 4.000 tấn; Hàn Quốc 22.000 tấn; còn lại là thị trường một số nước Ðông Nam Á. Hiện giá gạo vào các nước châu Âu khoảng 750 USD/tấn; Hàn Quốc 576 USD/tấn; các thị trường Ðông Nam Á là hơn 500 USD/tấn. Tất cả gạo xuất khẩu của Trung An vào các thị trường đều có bao bì, logo công ty; ở một số thị trường có thêm tên của nhà nhập khẩu. Ðây chính là cách để Trung An thể hiện uy tín chất lượng sản phẩm gạo trên thị trường thế giới. Ông Phạm Thái Bình cũng nhấn mạnh: Với đà phục hồi này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo của công ty năm 2021 sẽ vượt 67% so với năm 2020, nên có thể nói đây là thắng lợi nhờ sự bứt tốc thành công.

Ðối với Tập đoàn Lộc Trời-đơn vị sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam thì trong chín tháng đầu năm 2021, Lộc Trời là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất này. Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết: Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài tại vùng nông nghiệp trọng điểm phía nam, thời điểm này chính là cơ hội để Lộc Trời đẩy mạnh xuất khẩu. Xác định phân khúc chủ yếu là thị trường chất lượng cao nên từ vụ đông xuân 2019-2020 đến nay, Lộc Trời tổ chức thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững SRP (Sustainable Rice Platform) tại hai tỉnh Ðồng Tháp và An Giang, được tổ chức Global GAP công bố mô hình đạt 100% tiêu chuẩn. Tính đến thời điểm này, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt 100 điểm SRP hoàn hảo trong hai năm liên tiếp 2020-2021. Ðiều này đã tạo ra lợi thế lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Xuất khẩu gạo đón “làn sóng” phục hồi -0

Thu hoạch lúa trên vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang.

Chất lượng vẫn là “giấy thông hành” giá trị nhất

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh nhất nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chính như: Philippines, Trung Quốc, EU… để phục vụ cho tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở một số quốc gia. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, logistics đã được khơi thông trở lại thì sự bứt phá của các doanh nghiệp sẽ mang lại hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo cả năm 2021. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Ðáng chú ý là thị trường trọng điểm Trung Quốc với Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Ðức Lai cho biết: Gạo là một trong những nông sản chính Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đây cũng là mặt hàng chịu sự cạnh tranh cao từ các quốc gia khác và từ chính sản phẩm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… chắc chắn sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Thực tế, chín tháng đầu năm 2021, thống kê cho thấy có 138 lượt hàng hóa thực phẩm của Việt Nam vi phạm quy định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có sản phẩm gạo. Nguyên nhân do vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm như: phụ gia thực phẩm vượt quá tiêu chuẩn cho phép; kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn quy định; có vi sinh vật gây bệnh. Bên cạnh đó có nguyên nhân vi phạm về quy trình thủ tục, gồm: không đầy đủ chứng nhận theo yêu cầu nhập khẩu; sản phẩm không nằm trong danh mục nhập khẩu. Ngoài ra, còn có các vi phạm về tem nhãn, bao bì, thời hạn sử dụng…

Trong khi đó, đối với thị trường EU, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn/năm, nhưng nếu chất lượng gạo tốt thì con số này hoàn toàn có khả năng sẽ tăng lên, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ euro. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân thông tin: Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của EU thì gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết, vì thực tế có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như nhiều nông sản chất lượng cao khác vào EU nhưng lại chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì. Cụ thể như: tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học; phương pháp sản xuất; xuất xứ; khối lượng tịnh; tên người bán ở EU (tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU); bao bì phải có số phê duyệt của EU; ghi rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới thì nhu cầu lương thực được dự báo có khả năng còn tăng cao trong thời gian tới. Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Ðây là một trong những mục tiêu quan trọng để giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, tăng giá lúa hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Mặt khác, với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao, giá bán cao, sẽ tạo ra bước phát triển bền vững và hiệu quả cho toàn ngành lúa gạo.


ÁNH TUYẾT/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/xuat-khau-gao-don-lan-song-phuc-hoi-675741/

  • Từ khóa