Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số MXV-Index tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp nhờ tác động tích cực từ mức tăng của nhóm các mặt hàng công nghiệp và năng lượng. Trong đó, dầu thô là mặt hàng đáng chú ý nhất với mức tăng đột biến gần 5%.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù giá dầu tăng mạnh trở lại nhưng với biến động thất thường của mặt hàng này trong thời gian gần đây, giới đầu tư vẫn đang rất thận trọng trong việc mở vị thế mới. Do đó, dòng tiền sụt giảm nhẹ gần 20% về mức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Biểu đồ MXV-Index.
Dầu thô bứt phá
Giá dầu tăng mạnh trong ngày hôm qua, lấy lại mức giảm của các phiên trước đó nhờ tâm lý được cải thiện trên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 4,87% lên 69,49 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4,58% lên 73,08 USD/thùng.
Dầu thô đã bật tăng mạnh mẽ ngay trong phiên sáng khi Saudi Arabia nâng giá bán chính thức cho các sản phẩm ở châu Á và Mỹ, một động thái cho thấy sự tự tin của quốc gia Trung Đông đối với nhu cầu dầu ở khu vực này, bất chấp việc Trung Quốc đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch.
Bên cạnh đó tiến triển đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran không đạt được bước tiến nhanh chóng như thị trường kỳ vọng cũng thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường. Các đại diện của phương Tây cho biết, cuộc đàm phán đang tiến triển vô cùng chậm chạp, do các bên không tìm được tiếng nói chung cho yêu cầu hiện tại.
Bảng giá các mặt hàng năng lượng.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp khởi sắc
Giá bông hồi phục gần 3% trong phiên hôm qua lên 107 cents/pound. Trong tuần trước, các quỹ đã mạnh tay cắt giảm số lượng vị thế mua trên thị trường bông. Sự hồi phục của phiên hôm qua bắt nguồn từ lực mua kỹ thuật, và hiện vẫn còn sớm để khẳng định giá sẽ quay lại mức đỉnh 10 năm trước đây.
Hai mặt hàng đường cũng tăng trung bình 2% với giá đường trắng đóng cửa ở mức 496.6 USD/tấn, giá đường 11 tăng lên 19,16 cents/pound. Thị trường phục hồi trở lại cùng nhờ vào tâm lý tích cực trên các thị trường đầu tư tài chính. Tuy nhiên, đà tăng vẫn chưa được khôi phục và triển vọng tăng giá của thị trường đường cũng vẫn thiếu khả quan. Điều kiện thuận lợi của các nước sản xuất lớn là Brazil, Ấn Độ và Thái lan, sẽ thúc đẩy năng suất và gia tăng nguồn cung cho niên vụ kế tiếp. Giá đường vì thế mà có thể gặp sức ép.
Bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.
Giá cà-phê tiếp tục bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua với giá Arabica tăng 2,7% lên 249,85 cents/pound, giá Robusta vẫn giữ được sắc xanh với mức đóng cửa cao hơn 1.4% lên 2.420 USD/tấn. Cả hai mặt hàng cà-phê tiếp tục vững vàng trên mức đỉnh 10 năm. Những khó khăn trong vận chuyển cùng với nguồn cung bị thắt chặt ở các nước sản xuất chính như Việt Nam và Brazil trong niên vụ tới. Theo ước tính của Chính phủ Brazil, các lô hàng xuất khẩu của nước này đã giảm 100.000 tấn trong tháng 11. Rất nhiều người nông dân đã tiến hành giữ lại hàng để chờ đợi giá cà-phê tăng lên cao hơn.
Bảng giá các mặt hàng cà-phê nội địa.
Trong khi đó, ở Việt Nam, mưa lớn và bão tiếp tục gây ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch. Việc thiếu hụt nhân công hái cà-phê cũng là một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy đà tăng của thị trường. Giá cà-phê hôm nay ở trong nước tăng trung bình 300 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, cà-phê tỉnh Lâm Đồng được thu mua khoảng 41.500 đồng/kg, ở Đắk Lắk và Đắk Nông cao hơn và giao dịch khoảng 42.000-42.200 đồng/kg. Còn tại Gia Lai và Kon Tum cà-phê được thu mua với mức cao nhất là 42.000 đồng/kg.
THƯƠNG MAI/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc/gia-dau-tho-duong-va-ca-phe-bat-tang-manh-677147/