Áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ

Thứ 3, 01.03.2022 | 14:38:38
232 lượt xem

Giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp đã gây sức ép lớn đến giá cả hàng hóa, đặc biệt những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như dịch vụ vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước…

Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần, được quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ. Theo đó, giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng theo xu hướng giá của thế giới.

Giá nhiều mặt hàng "leo thang"

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 24-2 với xăng RON 92 là 110,53 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 113,36 USD/thùng. Riêng ngày 24-2, giá xăng RON 95 cao nhất trong vòng 8 năm qua khi lên mức 117,23 USD/thùng.

Ngày 28-2, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong mức tăng 1% của CPI tháng 2 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và một nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm.

Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 21-1, 11-2 và 21-2 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8% (tác động CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54% đã đẩy CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Xăng dầu tác động đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ - Ảnh 1.

Ngành vận tải càng khó khăn khi giá xăng dầu liên tục tăng Ảnh: VĂN DUẨN

Doanh nghiệp vận tải quá khó khăn

Việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải khách và vận tải hàng hóa thêm khốn đốn trong bối cảnh đang chật vật tìm cách phục hồi sau đại dịch.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, cho biết dịch Covid-19 khiến các DN taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Xăng dầu chiếm 35%-40% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt), chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, cho rằng sau Tết Nguyên đán DN này mới hoạt động trở lại được khoảng 30% phương tiện vì lượng hành khách rất ít. Điều khiến ông Bằng và nhiều chủ DN vận tải lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không thể cầm cự được. Bộ Công Thương cần sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và DN vận tải.

Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa cho biết mặc dù DN của ông là đơn vị lâu năm trong ngành logistics nhưng việc giá xăng dầu tăng phi mã cũng gây ra cú sốc rất lớn. Việc tăng giá xăng dầu không chỉ ảnh hưởng mạnh đến DN mà còn tác động đến cả nền kinh tế. "Tất nhiên doanh nghiệp sẽ chuyển phần tăng giá xăng dầu vào giá thành cước phí vận chuyển nhưng mất thời gian rất lâu vì phải thương lượng với khách hàng, thậm chí là bị hủy hợp đồng hoặc chịu lỗ".

Cũng theo ông Nghĩa, trong vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm tới 40%. Từ đầu năm 2021 đến nay mức giá xăng dầu tăng đã đạt gần 50% và có thể vẫn sẽ tăng tiếp theo tình hình chung trên thế giới. Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian ngắn tăng 13% đang ảnh hưởng rất mạnh đến các DN vận tải vì sẽ phải điều chỉnh cước vận tải lên khoảng 10%, còn chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4%-5%. 


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/ap-luc-tang-gia-hang-hoa-dich-vu-20220228211514549.htm

  • Từ khóa