Quyết định chưa từng có của Tổng thống Mỹ Biden về việc giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của nước này trong 6 tháng tới đã đẩy giá dầu xuống dưới 100 USD.
Giá xăng dầu thế giới
Trong khi tồn tại rất nhiều yếu tố khiến giá dầu “leo dốc” thì quyết định giải phóng tới 180 triệu thùng dầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược đã nhanh chóng “hạ nhiệt” giá dầu.
Giá dầu lại trải qua một tuần "lao dốc". Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu ngày 31-1 đã chốt phiên giao dịch ở mức giảm tới 7%. Trong phiên giao dịch ngày 1-4, giá dầu tiếp tục đà giảm. Cụ thể, giá dầu Brent giao sau giảm 32 cent, tương đương 0,31%, xuống mức 104,4 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng đã giảm giảm 1,01 USD, tương đương 1,01%, xuống 99,27 USD/thùng, trượt khỏi mốc 100 USD/thùng.
Theo Reutes, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã giảm giá khoảng 13% trong tuần – mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua. Như vậy, sau một tuần ngắt quãng, giá dầu đã lấy lại được đà “lao dốc”.
180 triệu thùng dầu của Mỹ sẽ bắt đầu được giải phóng từ tháng 5. Theo đó, trong vòng 6 tháng, mỗi ngày Mỹ sẽ cung ứng cho thị trường 1 triệu thùng dầu.
Cùng với việc giải phóng dầu của Mỹ, các thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng đồng ý tham gia vào nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc họp khẩn cấp trong ngày 1-4, các thành viên của IEA vẫn chưa đưa ra cụ thể khối lượng giải phóng hay cam kết của mỗi nước. Chi tiết cụ thể về việc phối hợp giải phóng dầu sẽ có trong tuần tới hoặc lâu hơn, theo Hidechika Koizumi, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Trong tuần, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định duy trì kế hoạch tăng 432.000 thùng/ngày trong tháng 5 dù các nước phương Tây yêu cầu tổ chức này bổ sung thêm nhiều dầu hơn nữa trong nỗ lực giải cơn khát dầu trên thị trường.
OPEC+ sẽ bổ sung thêm 432.000 thùng dầu/ngày trong tháng 5. Ảnh minh họa: Oilprice |
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết việc tràn ngập các thùng dầu của Mỹ không làm thay đổi thực tế rằng thị trường sẽ phải vật lộn để tìm đủ nguồn cung trong những tháng tới.
Stephen Brennock lý giải, lượng dầu giải phóng của Mỹ vẫn thấp so với kỳ vọng rằng mỗi ngày 3 triệu thùng dầu của Nga sẽ bị thế giới quay lưng do các lệnh trừng phạt và sự từ chối mua của người mua.
Trong một tín hiệu giảm cầu, trung tâm thương mại Thượng Hải của Trung Quốc, với 26 triệu người, đã chính thức bước vào giai đoạn phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
JPMorgan cho biết họ đã giữ nguyên dự báo giá không đổi ở mức 114 USD/thùng trong quý 2 và 101 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Ngân hàng này cho biết, "điều quan trọng, chúng tôi nhận ra rằng việc giải phóng kho dự trữ dầu không phải là nguồn cung lâu dài”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.309 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.153 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.080 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.764 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá lúc 0 giờ ngày 1-4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Mỗi lít xăng đã giảm 1.030-1.040 đồng trong khi giá các mặt hàng dầu đều tăng 500-1.520 đồng/lít, kg tùy loại. Với việc điều chỉnh này, giá xăng giảm lần thứ hai sau 7 lần tăng liên tiếp.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn