Nỗ lực giải phóng dầu của Mỹ và các thành viên của IEA đã được đền đáp. Giá dầu đã có thêm một tuần “hạ nhiệt” với Brent còn 102,8 USD/thùng, WTI dưới 100 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Chốt phiên giao dịch ngày 8-4, cả hai mặt hàng Brent và WTI đều tăng hơn 2%. Mức tăng này không cao nên dầu đã ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 2,20 USD, tương đương 2,19%, lên 102,8 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 2,32%, tương đương 2,23 USD, lên 98,26 USD/thùng.
Giá dầu có thêm một tuần giảm. Ảnh minh họa: Reuters |
Tính cả tuần, dầu Brent giảm 1,5% trong khi WTI giảm 1%. Những tuần qua liên tục chứng kiến các giao dịch biến động mạnh nhất của dầu Brent và WTI kể từ tháng 6-2020, theo Reuters.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital LLC đánh giá, giao dịch diễn ra sôi động cả ngày 8-4; các hợp đồng tăng vọt ngay trước khi thanh toán.
Theo oilprice, có hai yếu tố chính khiến giá dầu tuần này “lao dốc”.
Yếu tố đầu tiên là quyết định giải phóng thêm 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong vòng 6 tháng tới của các thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Cùng với 180 triệu thùng dầu giải phóng từ kho dự trữ dầu chiến lược mà Mỹ đã cam kết vào tuần trước, thị trường sẽ được tiếp thêm tới 240 triệu thùng dầu để “giải” cơn “khát” dầu.
Tuy nhiên, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho biết có một số lo ngại rằng cách hạ giá một cách giả tạo này sẽ chỉ làm tăng nhu cầu và điều đó sẽ đốt cháy nguồn cung đó (240 triệu thùng dầu) khá nhanh.
Các nhà phân tích của ANZ Research cũng cho biết, sự giải phóng dầu này cũng có thể làm nản lòng các nhà sản xuất, bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ, trong việc tăng sản lượng ngay cả khi giá dầu ở quanh mức 100 USD/thùng.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết vẫn còn sự hồ nghi liệu nguồn cung từ các đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp có giải quyết được tình trạng thiếu hụt dầu thô của Nga hay không.
Dù lội ngược dòng vào phút cuối nhưng giá dầu vẫn đạt mức giảm cả tuần. Ảnh minh họa: Reuters |
JPMorgan cho biết, về lâu dài, các nhà sản xuất dầu sẽ cần phải tăng cường đầu tư để lấp đầy khoảng trống cung từ phía Nga và tái cung cấp nguồn dự trữ chiến lược của IEA.
Trong tuần tính đến ngày 8-4, các nhà sản xuất Mỹ đã bổ sung thêm 13 giàn khoan dầu, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Ngoài yếu tố giải phóng dầu nói trên, giá dầu còn được hỗ trợ giảm bởi nguồn cầu giảm từ phía nhà tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Trung Quốc khi thành phố Thượng Hải của nước này tiếp tục mở rộng các đợt phong tỏa để đối phó với tình trạng nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng tại đây.
Trong một diễn biến khác, ngày 7-4, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm dầu của Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than của Nga. EU cũng đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.309 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.153 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.080 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.764 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn