Giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến mức lỗ của các hãng năm 2022 dự báo sẽ trầm trọng hơn. Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất điều chỉnh tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, đầu năm 2020, do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sốc, nhu cầu tiêu thụ về nhiên liệu Jet A1 trên toàn cầu cũng giảm mạnh kéo giá nhiên liệu Jet A1 đi xuống. Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, khi thị trường vận chuyển hàng không bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục thì giá nhiên liệu Jet A1 có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt từ tháng 3 năm nay.
"Giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015" - lãnh đạo Cục HKVN cho biết.
Các hãng hàng không dự báo mức lỗ trầm trọng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đối với các hãng vận chuyển, việc tăng giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa", tình hình trở nên khó khăn hơn và dự báo mức lỗ cũng trầm trọng hơn.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Vietnam Airlines cho biết, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 - 9.100 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 - 160 USD/thùng.
Với Vietjet, tình hình cũng không khả quan hơn khi chi phí của hãng sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng.
Đại diện Bamboo Airways thông tin, giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm nay thì chi phí nhiên liệu ước tính của hãng sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng; tăng lên đến 4.600 tỷ đồng nếu mức xăng dầu lên đến mức 150 USD/thùng.
Vietravel Airlines dự kiến chi phí sẽ là 310 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng.
Trước căng thẳng trên, Cục HKVN đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Theo cơ quan này, đặc thù của ngành hàng không là thực hiện cơ chế giá vé linh hoạt, đặc biệt trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và kiềm chế lạm phát. Cục HKVN đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Cụ thể, Cục HKVN đề xuất điều chỉnh tăng giá trần đường bay từ 500-850 km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tương đương 2,27%); đường bay từ 850 - 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%); đường bay từ 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%); đường bay từ 1.280 km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).
Cục Hàng không đề xuất "nới" trần giá vé máy bay (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đây không phải là lần đầu tiên Cục HKVN đề xuất điều chỉnh khung giá vé máy bay dưới tác động của giá nhiên liệu. Trước đó, tháng 9/2015, Cục HKVN đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.
Năm 2018, Cục HKVN tiếp tục báo cáo Bộ GTVT xem xét điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, đặc biệt là đối với tuyến đường dài phù hợp với biến động giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào gốc ngoại tệ theo kiến nghị của các hãng hàng không.
Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn