Trước đây, đa số người dân trên địa bàn tỉnh thường mua bán trực tiếp tại các chợ, cửa hàng thì thời gian gần đây, nhiều người dần chuyển sang hình thức trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội. Điều đó cho thấy TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
TMĐT không bị giới hạn bởi không gian, địa lý. Trên mỗi sàn TMĐT có hàng nghìn mặt hàng từ lương thực, thực phẩm đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo… đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Các gian hàng đều cung cấp cho người tiêu dùng nhiều thông tin hữu ích về sản phẩm như: hình ảnh, xuất xứ, thành phần, kích thước, tính năng… đặc biệt là đánh giá của người mua, các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng cũng như sự tiện dụng của TMĐT đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mua sắm.
Nhân viên Bưu điện thành phố Lạng Sơn trả hàng cho khách mua sản phẩm qua sàn thương mại điện tử
Nhận định xu hướng phát triển của TMĐT, ngày 6/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu đến năm 2025 có 50% người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, 20% người tiêu dùng các huyện tham gia mua sắm trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 70% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử. Đối với các doanh nghiệp, 80% trang thông tin TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Hoàng Xuân Thảo, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Sở Công thương đã giao Phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động thúc đẩy TMĐT trên địa bàn tỉnh. Triển khai nhiệm vụ này, trong năm 2021, chúng tôi đã xây dựng hệ thống khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; xây dựng nền tảng công nghệ quản lý sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển, có giải pháp phù hợp quản lý TMĐT.
Cùng đó, trong năm 2021, Phòng Xúc tiến thương mại đã phổ biến kỹ năng ứng dụng TMĐT trong cộng đồng cho hơn 80 cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp; xây dựng, nâng cấp sàn TMĐT của tỉnh Lạng Sơn ecls.com.vn; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm… Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ hơn 20 lượt doanh nghiệp tiếp cận TMĐT.
Trong điều kiện số người mắc COVID – 19 trên địa bàn tỉnh ở mức cao như thời gian vừa qua, phần lớn người mắc bệnh được hướng dẫn theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà cùng với sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến người đã chọn cách mua hàng trên các sàn TMĐT và mạng xã hội. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, tiểu thương đã nhanh chóng tiếp cận phương thức bán hàng trực tuyến. Điển hình như hệ thống siêu thị Vinmart, Công ty TNHH thương mại xây dựng Thiên Phú (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn). Nhiều tiểu thương cũng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá, bán hàng.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng cho biết: Hai năm trở lại đây, tôi thường mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, shopee, voso… Điều này giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian vì cùng lúc có thể mua nhiều mặt hàng, có thể so sánh về chất lượng, giá trước khi đưa ra lựa chọn. Mặt hàng tôi ưa thích là đặc sản vùng miền, đồ gia dụng… trung bình mỗi tuần tôi mua 7 hoặc 8 đơn, có khi hơn 10 đơn. Tại các gian hàng, tôi có thể tham khảo thông tin về sản phẩm, đánh giá của những người đã mua hàng trước khi quyết định đặt mua.
Chị Hoàng Thị Nhung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Trong tháng 3/2022, một số thành viên trong gia đình tôi mắc COVID – 19 và thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Do không thể đi chợ trực tiếp, tôi đã vào mạng xã hội facebook, zalo đặt hàng tại những cửa hàng trong thị trấn. Hàng giao đến, tôi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Do không tiếp xúc với người bán hàng, người giao hàng nên giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, đơn vị chuyển phát đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông, sản lượng gói, kiện hàng hóa lưu thông qua địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay đạt trên 489.000 gói, kiện tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng Bưu điện tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 70.000 gói, kiện gửi nhận, bằng 202% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo baolangson.vn