Năm 2022, diện tích vải thiều toàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là 3.273 ha, sản lượng dự kiến đạt 40.000 tấn. Để chủ động công tác tiêu thụ, huyện đã lên kế hoạch đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trên cả nước; phối hợp với các trung tâm, siêu thị lớn; đồng thời hướng tới tăng sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao.
Các vườn vải tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước và sau khi cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: HÀ ANH)
Thời gian qua, cùng với sự lan tỏa rộng tại thị trường trong nước, trái vải thiều của huyện Thanh Hà còn vươn mạnh sang thị trường Trung Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…, được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Vải thiều Thanh Hà ngày càng khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện và nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.
Sản xuất theo tiêu chuẩn, quản lý theo mã số vùng trồng
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, Phạm Huy Mơ cho biết: Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 35 vùng với diện tích 400 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore, tập trung tại các xã: Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Khê. Trong đó có 5 vùng với diện tích 50 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Huyện cũng đã lập hồ sơ, đề nghị cấp mã số vùng trồng cho 20 vùng sản xuất mới; đồng thời giám sát đề nghị duy trì 34 mã số vùng trồng và 56 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp để phục vụ cho việc tiêu thụ, xuất khẩu vải trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng quả vải từ khâu sản xuất, huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân nhằm hướng dẫn quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế; cấp sổ, bút để ghi chép nhật ký sản xuất cho các đối tượng là cán bộ kỹ thuật, cán bộ cơ sở; các hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hộ nông dân trong vùng sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Đạo, thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà chia sẻ: "Gia đình tôi hiện trồng 1 mẫu vải thiều, đều theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, sản lượng đạt khoảng 4 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, cho lợi nhuận 60 triệu đồng. Vụ vải năm nay dự kiến sản lượng sẽ cao hơn, hy vọng thị trường sôi động và được giá để bà con phấn khởi".
Thời gian tới, để tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu tại những thị trường chất lượng cao như: EU, Mỹ, Nhật, Australia, Singapore, Hàn Quốc,... thì sản xuất vải trên địa bàn huyện cần phải đáp ứng được những yêu cầu mới khắt khe hơn. Ngay cả đối với thị trường truyền thống là Trung Quốc, từ 1/1/2022, Trung Quốc cũng đã áp dụng Lệnh 248, 249 quy định về điều kiện doanh nghiệp được phép xuất khẩu cũng như yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi cả doanh nghiệp và người trồng đều phải có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm; chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch...
Đây là những yêu cầu không dễ hoàn thiện trong ngày một ngày hai nên địa phương đang tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện cấp mã số vùng trồng phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã vải Thanh Hà.
Chủ động đầu ra cho sản phẩm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Ngô Bá Định, năm 2021, mặc dù hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng nhờ công tác xúc tiến thương mại được tổ chức tốt và đồng bộ nên vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi, không có hiện tượng ế thừa, ép giá; ngược lại giá bán cao, biến động ít, cơ bản ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu là sản phẩm tươi, một phần sản lượng vải chính vụ được đưa vào sấy khô.
Người dân thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chăm sóc vườn vải thiều. (Ảnh: MINH ANH)
Tính chung vụ vải thiều năm 2021, toàn huyện Thanh Hà đã tiêu thụ 41.000 tấn. Trong đó thị trường nội địa khoảng 20%, được tiêu thụ trên hệ thống các siêu thị, các sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối nông sản lớn trên cả nước. Về thị trường xuất khẩu, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc với khoảng 60% sản lượng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn như công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty CP nông sản Hưng Việt, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu… là những đơn vị đầu mối thu mua vải thiều xuất đến các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…, với tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 20% - ông Ngô Bá Định cho biết thêm.
Năm 2022, xác định rõ việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do đến thời điểm này Trung Quốc vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, cộng với việc nâng cao các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa theo Lệnh 248, 249 nên huyện Thanh Hà đang tích cực, chủ động công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều trước và trong vụ thu hoạch sản phẩm.
Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tập trung thu mua sản phẩm cho bà con khi vào vụ. Mục tiêu là thời gian tới đây sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ vải tại thị trường nội địa và các thị trường chất lượng cao, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, huyện cũng lên kế hoạch xúc tiến du lịch, phát huy hiệu quả khai thác tiềm năng hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương và các tiểu vùng du lịch kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch miệt vườn khi vào vụ thu hoạch để quảng bá rộng rãi sản phẩm vải thiều với định hướng dài hạn là quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh cây trái đặc sản phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn. Từ đó tạo ra sự phát triển bền vững cho cây vải thiều, giữ vững vị thế là cây làm giàu cho người dân Thanh Hà.
Theo nhandan.vn