Giá vàng trong nước và thế giới đều giảm trong bối cảnh một tin không tốt với thị trường vàng xuất hiện.
Sáng 10/6, doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 68,6 - 69,5 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng mỗi chiều so với chốt phiên 9/6. Tại TPHCM, giá thu gom tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.846 USD/ounce (tương đương 51,63 triệu đồng/lượng), giảm 5 USD. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 18,09 triệu đồng/lượng.
Lạm phát "nóng" cản đà tăng của giá vàng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Giá vàng thế giới giảm nhẹ khi đồng USD phục hồi và lợi suất kho bạc Mỹ tăng cao, đạt 3,2%. Ngoài ra, kim loại quý còn chịu sức ép trước thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tăng lãi suất vào tháng 7.
Hiện tại, lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã xác lập kỷ lục mới là 8,1% vào tháng 5. Con số này xô đổ kỷ lục cũ vào tháng 4 là 7,4% và cao hơn mức dự báo 7,8%. Cùng với việc tăng lãi suất, ECB dự kiến chấm dứt chương trình mua vào tài sản đã áp dụng trong thời gian qua. Do đó, giới phân tích cho rằng, ECB sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn vào tháng 9.
Lạm phát "nóng" đang là nỗi lo toàn cầu. Để chống lại lạm phát, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang rục rịch tăng lãi suất. Trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan này dự kiến tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Hôm 7/6, Ngân hàng Trung ương Australia cũng quyết định nâng lãi suất thêm 0,5%. Quyết định này đã gây ngạc nhiên cho giới phân tích, vốn chỉ dự báo mức tăng khoảng 0,25%. Đồng thời, ngân hàng nước này để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để ứng phó với lạm phát.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo "nóng" về mức độ lạm phát. WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,9% so với mức dự báo 4,1% hồi tháng 1 và cảnh báo nguy cơ một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Theo ông David Malpass - Chủ tịch WB, xung đột giữa Nga và Ukraine và việc Trung Quốc "đóng cửa" để phòng dịch Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng nguy cơ lạm phát đình trệ.
An Chi/dantri.com.vn