Một số sản phẩm thép của Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị EC áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019.
Một số sản phẩm thép của Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị EC áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019.
Ngày 26/3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến sản xuất trong nước.
Căn cứ quy định của WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển không phải áp dụng biện pháp tự vệ nếu có thị phần nhập khẩu dưới 3%, Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm, thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại, thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Tuy nhiên, trong thời gian điều tra, nhập khẩu 3 nhóm sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nếu nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam vào EU tăng vượt mức 3%, thì sẽ có thêm sản phẩm thép bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Ông Nguyễn Văn Sưa-Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, bảo hộ thương mại đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thép. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng trong tiêu thụ thép, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin đối với doanh nghiệp.
Cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng 3% và có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép của mình vì chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Thứ 2, phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế cũng như luật lệ thương mại của các nước xuất khẩu sang để tránh thiệt hại không đáng có.
Về phía Hiệp hội sẽ thực hiện tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, phổ biến các kiến thức hội nhập cho doanh nghiệp. Hiệp hội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất khẩu phải nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra./.