Rà soát nguyên liệu sản xuất khẩu trang phòng dịch

Thứ 7, 01.02.2020 | 18:44:34
456 lượt xem

Ngành công thương sẽ phối hợp với ngành y tế rà soát nguồn nguyên liệu làm khẩu trang và yêu cầu các đơn vị tăng sản xuất.

Bộ trưởng Công thương vừa chỉ thị các đơn vị phối hợp với Bộ Y tế để yêu cầu các đơn vị sản xuất sản phẩm, thiết bị y tế tăng sản xuất, không để thiếu nguồn cung.

Quản lý thị trường kiểm tra việc đẩy giá bán khẩu trang y tế cao gấp nhiều lần giá niêm yết tại một cửa hàng trên đường Ngọc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành

Quản lý thị trường kiểm tra việc đẩy giá bán khẩu trang y tế cao gấp nhiều lần giá niêm yết tại một cửa hàng trên đường Ngọc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành


Theo thống kê hiện có gần 40 cơ sở sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế, nhưng nguyên liệu kháng khuẩn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Ông Tuấn Anh yêu cầu các Cục, Vụ phối hợp với ngành y tế rà soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang, tránh gián đoạn việc sản xuất mặt hàng thiết yếu này trong phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán. 

Cùng đó, Tổng cục Quản lý thị trường, cùng Vụ Thị trường trong nước tổ chức các đoàn kiểm tra phân phối trang thiết bị y tế, khẩu trang. "Không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ nhu cầu sử dụng tăng cao của người dân", ông Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Vài ngày qua giá khẩu trang y tế bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần so với trước thời điểm dịch bùng phát. Một hộp khẩu trang y tế kháng khuẩn 3 lớp Tanaphar hay Devote bị "thổi" giá lên 120.000 đồng, thậm chí có nơi hét giá tới 300.000 đồng một hộp, nhưng cũng "cháy" hàng. 

Về hoạt động thương mại với Trung Quốc, theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn ở phương diện xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thuỷ sản sang Trung Quốc. Ông đề nghị các đơn vị đánh giá toàn diện tác động. 

Để tránh tác động tiêu cực xuất khẩu nông sản (thanh long, dưa hấu) khi chính vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 2, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, theo sát diễn biến giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh. 

Cục Xuất nhập khẩu được yêu cầu bám sát tình hình tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc dừng.

Nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. 

Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Các sản phẩm nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản...

Anh Minh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/kinh-doanh/ra-soat-nguyen-lieu-san-xuat-khau-trang-phong-dich-4048859.html

  • Từ khóa