Giá cà phê của Việt Nam tăng liên tục gây lo ngại về mất thị trường nhưng một diễn biến mới buộc khách hàng phải quay về Việt Nam mua hàng
Giá cà phê hôm nay 13-12 tại Tây Nguyên dự báo sẽ tăng trở lại theo giá thế giới sau một phiên giảm có tính kỹ thuật vì nhà đầu tư chốt lời.
Rạng sáng 13-12, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London đã tăng trở lại. Trong đó, các kỳ hạn giao xa ghi nhận mức tăng đáng kể, cho thấy thị trường vẫn lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung cà phê trong tương lai.
Giá cà phê Robusta ở kỳ hạn giao hàng tháng 1-2025 lên mức 5.194 USD/tấn, tăng 33 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025 lên 5.152 USD/tấn, tăng 51 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 5-2025 lên 5.095 USD/tấn, tăng 53 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 7-2025 lên 5.019 USD/tấn, tăng 55 USD/tấn.
Trên sàn New York (Mỹ), giá cà phê Arabica cũng tăng ở tất cả kỳ hạn giao hàng. Kỳ giao hàng gần nhất là tháng 3-2025 lên mức 7.080 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.
Lý giải về việc giá cà phê lại tăng giữa lúc Việt Nam đang vào chính vụ thu hoạch, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đồng thời là người đứng đầu Công ty CP Tập đoàn Intimex (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê số 1 Việt Nam), cho biết nông dân Việt Nam đã điều tiết được thị trường.
Việt Nam đang trong thời gian cao điểm thu hoạch cà phê
Ông Đỗ Hà Nam nói giá cà phê Robusta Việt Nam hiện đắt nhất thế giới vì là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất ra loại cà phê phối trộn giữa Arabica và Robusta, vốn được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù Robusta Việt Nam tăng giá nhưng nhà rang xay vẫn buộc phải mua vì chưa thể đổi được công thức sản xuất.
"Khi giá cà phê Robusta Việt Nam tăng quá cao, chúng tôi có cảnh báo về việc sẽ mất thị trường. Thế nhưng, vừa qua, tại Brazil – nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới lại bất ngờ "xù" hợp đồng hàng loạt từ nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu khi mặt bằng giá cà phê tăng. Điều này khiến các nhà nhập khẩu trên thế giới phải quay về Việt Nam để mua hàng" – người đứng đầu Intimex nêu.
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, nông dân cà phê hiện có đủ thông tin để quyết định khi nào thì bán cà phê ra. Từ nay đến tháng 4-2025, thế giới chỉ có Việt Nam còn cà phê nên nông dân không vội bán ra để giữ giá.
"Nông dân trồng cà phê Việt Nam đang giữ vai trò điều tiết thị trường chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này khiến cho doanh nghiệp chỉ làm thương mại sẽ rất rủi ro vì khó kiếm lời từ giá chênh lệch mua – bán. Do đó, doanh nghiệp muốn tồn tại phải đầu tư chiều sâu để có thêm khoản giá trị giá tăng" – ông Đỗ Hà Nam bày tỏ.
Chiều 12-12, giá cà phê thị trường trong nước xoay quanh mức 123.000 đồng/kg, giảm 1.700 đồng/kg so với ngày hôm trước và thấp hơn giá "đỉnh" hồi cuối tháng 11 vừa qua khoảng 7.000 đồng – 10.000 đồng/kg.
Theo nld.com.vn