So với cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc từ 1,47 tỷ USD lên gần 7 tỷ USD trong năm nay, tức tăng gần 5 lần.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với 10 năm trước, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng từ 1,47 tỷ USD lên gần 7 tỷ USD, tức tăng gần 5 lần. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng và dư địa để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng này là rất lớn.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực
Việc tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc đã giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có lần đầu tiên tiến sát 7 tỷ USD. Tính chung trong 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vượt mốc 4 tỷ USD - vượt xa mức kỷ lục xuất khẩu đạt được trong cả năm 2023 là 3,6 tỷ USD riêng tại thị trường Trung Quốc.
Nhờ có lợi thế về mùa vụ, kết nối đường bộ, đường biển và đường sắt với Trung Quốc đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu rau quả sang quốc gia tỷ dân.
Đơn cử, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai (địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai) là một trong các địa bàn xuất khẩu rau quả quan trọng hàng đầu ở biên giới phía Bắc. Nổi bật nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu rau quả là sầu riêng với tổng kim ngạch đạt 934,8 triệu USD, tăng tới 321% so với cùng kỳ năm 2023, tính đến hết tháng 11.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chiếm tỷ trọng cao trong số các nhóm hàng làm thủ tục xuất - nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai).
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, mức tăng trưởng đạt trên 2 con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada, Trung Quốc và Mỹ.
Bên cạnh sầu riêng, kim ngạch xuất khẩu nhiều chủng loại rau quả khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, gồm: Dừa (tăng 60,6%); chuối (tăng 26,8%); xoài (tăng 43,5%); mít (tăng 21,3%); hạt dẻ cười (tăng 40,4%); hạnh nhân (tăng 58,2%); dưa hấu (tăng 53,7%)…
"Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.
Nhiều tiềm năng ở thị trường tỷ dân
Thực tế, việc ký kết các Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc bao gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.
Tuy nhiên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên.
Hiện nay, ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch), trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào.
Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, song trái cây Việt vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế (Ảnh: Lê Minh).
"Cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy", cơ quan quản lý đánh giá.
Riêng với mặt hàng sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non.
"Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hình ảnh nông sản Việt", ông nhìn nhận.
Chính vì vậy, vị này cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khi nào đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu.
Theo dantri.com.vn