Nhiều trường đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình và lên kế hoạch giảng dạy để kịp tiến độ kết thúc năm học vào ngày 15/7.
Tuần đầu tiên, học sinh 63 tỉnh thành trở lại trường sau 3 tháng nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình và lên kế hoạch giảng dạy để kịp tiến độ kết thúc năm học vào ngày 15/7.
Học sinh được thực hiện các biện pháp an toàn trước khi vào trường (Ảnh: K.T). |
Rà soát kiến thức, hỗ trợ học sinh yếu
Ngoài thực hiện các biện pháp như đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, các trường tổ chức chia lớp, học lệch giờ để bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Tuần đầu tiên trở lại trường, khối lớp 12 vẫn đảm bảo chương trình học dù phải chia đôi các lớp để đảm bảo giãn cách trong quá trình giảng dạy. Khối lớp 10, lớp 11 sẽ học 3 buổi trực tiếp và kết hợp với học online. Do chia lớp để đảm bảo giãn cách nên số phòng học không đủ, vì thế vẫn phải kết hợp học trực tiếp với học online thì mới kịp tiến độ. Tuần đầu tiên này giáo viên chưa thực hiện kiểm tra vì làm thế các con sẽ hoảng do nghỉ học thời gian quá dài. Quan trọng hướng dẫn cho học sinh (HS) biết cách học rồi mới tính đến khối lượng kiến thức, chứ lao vào “nhồi nhét” nhiều kiến thức sẽ khiến thầy và trò mệt mỏi. Sau khi rà soát, phần kiến thức nào yếu giáo viên sẽ cho ôn lại, còn không sẽ tiếp tục dạy bài mới. Chỉ còn khoảng 10 tuần là kết thúc năm học nhưng khối lượng công việc khá nhiều: rà soát lại kiến thức đã học, kiểm tra để đủ đầu điểm, thi thử, thi thật…”.
Cô Vũ Thị Hòa, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: “Tuần này chúng tôi sẽ rà soát lại kiến thức học online, kiến thức cũ và sau đó sẽ đánh giá học sinh. Từ đó, lên phương án hỗ trợ những HS còn yếu, nâng cao năng lực cho HS khá giỏi. Tuần sau nhà trường mới tiến hành kiểm tra HS nhưng đề kiểm tra sẽ ở mức độ tinh giản, không gây áp lực cho HS. Sau khi rà soát lại kiến thức, tổ bộ môn sẽ dựa vào chương trình giảm tải để soạn giảng và lên chuyên đề phù hợp. Khối lớp 9 sau khi học hết chương trình sẽ chuyển sang luyện kỹ năng làm đề để chuẩn bị cho kỳ thi cấp 3 sắp tới...”. Đại diện Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết, trong tuần này trường chỉ tập trung ôn tập kiến thức cho HS và duy trì việc dạy trực tuyến song song với dạy trên lớp. Sau 2 tuần, trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá học lực của HS để triển khai phương pháp dạy phù hợp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 4/5 có 150.000 HS khối lớp 9 và 12 đi học trở lại. Sở GD-ĐT yêu cầu, trong tuần đầu này, tùy theo điều kiện từng trường mà bố trí việc học cho HS lớp 9, 12 để đảm bảo việc giãn cách. Giáo viên cũng chưa dạy bài mới, mà sẽ kiểm tra, tổng hợp, đánh giá việc học trực tuyến của HS. Sau đó củng cố, bổ sung kiến thức cho các em về các bài đã học.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), cho biết, vì không phải 100% HS được học trực tuyến nên trong 2 tuần đầu đi học trở lại, nhà trường chỉ ôn tập kiến thức cũ. Những tuần tiếp theo, sẽ dạy theo chủ đề, tích hợp, bỏ những phần giảm tải, chú trọng phần kiến thức chính. Theo ông Phú, thực tế HS chỉ còn được học bài mới 1 tháng, 1 tuần ôn, 1 tuần thi nên thời gian rất gấp rút. Tuy nhiên, nhà trường đã tăng cường học trực tuyến 3 buổi/tuần để hỗ trợ học sinh giải bài tập. Còn theo ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), trường sẽ rà soát kiến thức cũ cho HS trong tuần đầu, tuần thứ hai bổ sung những kiến thức bị hụt trong thời gian nghỉ và kết hợp dạy bài mới. Nhà trường cũng lên kế hoạch tinh giản chương trình học đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, song song đó giảm các bài kiểm tra đánh giá theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT…
Không kiểm tra dồn dập, tránh “làm đẹp” học bạ
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng 1 - 2 tuần đầu, các trường tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới. “Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt HS phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết” - ông Nhạ lưu ý.
Để hoàn thành thời gian dự kiến kết thúc năm học 2019 - 2020 trước ngày 15/7, các địa phương, thầy cô cần kết hợp tốt việc dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình với dạy trực tiếp. Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành bài thi tham khảo nhằm định hướng các em ôn tập tốt hơn. Năm nay có một điểm cần lưu ý đó là học bạ. Tất cả các trường THPT hiện đều sử dụng sổ điểm điện tử được cập nhật mỗi năm học hoàn toàn minh bạch. Phổ điểm thi tốt nghiệp cũng sẽ minh bạch. “Khi đối chiếu so sánh, nếu địa phương nào, trường nào có phổ điểm thi tốt nghiệp thấp, trong khi điểm học bạ cao tức là có vấn đề”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, đồng thời đề nghị các trường THPT, giáo viên đứng lớp cần chấm điểm nghiêm túc, công tâm, tránh tình trạng “làm đẹp” học bạ để ứng tuyển vào các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển này, dẫn đến không công bằng. Đây cũng là áp lực để các nhà trường dạy học thật tốt.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, với tình hình năm nay Bộ cần sớm công bố bài thi tham khảo, chứ không nên để thầy trò đợi “dài cổ” như những năm trước. Khi có đề tham khảo, giáo viên sẽ hình dung mức độ đổi mới của đề thi, mức độ liên hệ thực tiễn, cách thức ra đề, cách hỏi... để từ đó dẫn dắt HS ôn luyện cho tốt khi thời gian không còn nhiều.
“Để tránh tình trạng “làm đẹp” học bạ thì chúng ta phải làm cho độ tin cậy của giáo dục phổ thông tốt lên. Mong rằng, Bộ làm mạnh vấn đề này để các nhà trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ đó việc dạy và học được thực chất hơn. Với những HS yếu kém sẽ không được dự thi, chứ không phải ai học xong cũng thi, rồi đỗ tốt nghiệp, rồi vào đại học...” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cac-truong-gap-rut-ra-soat-kien-thuc-cho-hoc-sinh-1046032.vov