Hình thức tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, cần tính toán tỷ lệ xét tuyển hợp lý bởi học bạ ở nhiều nơi chưa đánh giá đúng chất lượng học sinh.
Chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì vậy, những trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển học bạ phải đặc biệt lưu ý khi tuyển sinh. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị tuyển sinh được tổ chức trực tuyến với tất cả các trường Đại học vào ngày 8/5.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Tâm lý của học sinh căng thẳng sau 3 tháng nghỉ chống dịch, nên kỳ thi phải tổ chức theo hướng hỗ trợ thuận lợi nhất cho các em. Trong bối cảnh dịch bệnh, không có phương án nào hoàn hảo, nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án tốt nhất Bộ để lựa chọn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp sáng 8/5. |
Về tuyển sinh, Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh trên cơ sở tham khảo ý kiến các trường Đại học. Về cơ bản tuyển sinh năm 2020 vẫn giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tạo sự yên tâm cho học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đặc biệt lưu ý một số điểm khi các trường tuyển sinh. Cụ thể, đối với hình thức tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, các trường cần tính toán tỷ lệ xét tuyển hợp lý bởi học bạ ở nhiều nơi chưa đánh giá đúng chất lượng học sinh.
“Chất lượng điểm trong các học bạ ở các trường, ở các vùng miền cũng khác nhau. Thậm chí có những vùng, điểm rất cao, học bạ rất “long lanh”, nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Chính vì vậy phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học phổ thông của học sinh trên cả nước. Sau khi có phổ điểm, sẽ đối sánh với học bạ để thấy được chất lượng thực và chất lượng đánh giá quá trình ở địa phương như thế nào. Học bạ điện tử có thể so sánh được, xã hội sẽ xem xét được nên các trường phải ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, dần dần sẽ có sự minh bạch tốt hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về tổ hợp xét tuyển, mặc dù được quyền tự chủ, nhưng các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, tránh tình trạng đưa ra những tổ hợp lạ, gây xôn xao cho dư luận xã hội.
“Những tổ hợp truyền thống tốt sẽ kế thừa và có thể bổ sung những tổ hợp mới nhưng phải cân nhắc rất kỹ, đảm bảo tính khoa học thực tiễn và đặc biệt là phải đáp ứng được cơ sở năng lực để chọn vào ngành theo yêu cầu của ngành đó”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm.
Liên quan đến việc tuyển sinh riêng của các trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải là các trường muốn làm gì thì làm mà phải tuân theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường, giữa các thí sinh./.
Minh Hường/VOV.VN