Sẽ xem xét phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho đào tạo tiến sĩ

Thứ 5, 28.05.2020 | 09:18:55
642 lượt xem

Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, đề xuất các phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho các nghiên cứu sinh trong nước để họ toàn tâm, toàn ý nghiên cứu.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu” được tổ chức ngày 27/5.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học.

dao tao tien si: se xem xet phuong an ho tro hoc phi, hoc bong  hinh 1
Toàn cảnh hội thảo.

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH gắn bó mật thiết với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. “Chúng ta mong muốn đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Các trường có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, xây dựng các nhóm nghiên cứu trong trường, từ đó xây dựng uy tín thương hiệu của trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Đánh giá tầm quan trọng của cơ chế tài chính, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, đề xuất các phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước cũng như xây dựng cơ chế chính sách để nghiên cứu sinh có thể đảm bảo cuộc sống, toàn tâm toàn ý nghiên cứu.

Tại Hội thảo, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, trong hai năm qua, từ đăng ký chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các trường cho thấy, số trường đào tạo tiến sĩ gia tăng.

Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, thời gian tới, Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần tự chủ của các cơ sở GDĐH, đồng thời có những điểm sửa đổi kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với quốc tế.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định 89/QĐ-TTg, trong đó có cấp học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước.

Phải “làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”

PGS. TS Trần Thị Thanh Tú, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, để đào tạo tiến sĩ thành công và đạt chuẩn quốc tế, yếu tố then chốt là chính sách thu hút GS nước ngoài, nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian và cần xây dựng nhóm nghiên cứu.

TS Nguyễn Đắc Trung, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Nghiên cứu sinh phải thực sự là người làm tiến sĩ, coi đây là công việc của họ, để toàn tâm toàn ý, từ đó nhận được lại thành quả. Từ đây mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nghiên cứu sinh hoàn thành tốt công việc của mình”.

TS Trung cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từ xây dựng định hướng nghiên cứu, hợp tác với nước ngoài, doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu hỗn hợp, thu hút đầu tư đào tạo dài hạn đến ươm mầm nhân tài từ sinh viên năm 3 đại học tham gia các nhóm nghiên cứu đến sau đại học.

Theo GS TS Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Học viện cũng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đào tạo tiến sĩ như hợp tác đào tạo với đại học nước ngoài, triển khai chương trình Postdoc dành cho tiến sĩ, đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục,…

Thừa nhận vai trò của nhóm nghiên cứu trong cơ sở GDĐH và đào tạo tiến sĩ, bà Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ KH-CN, cho biết, sắp tới Bộ KH-CN sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

PGS. TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho biết, thành lập những nhóm nghiên cứu là một trong những giải pháp của trường nhằm thu hút nghiên cứu sinh. “Nghiên cứu sinh không có nhóm nghiên cứu thì không có sự hỗ trợ. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi bao gồm GS, PGS, TS, Thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư”.

Theo PGS Giang, thông qua các nhóm nghiên cứu, trường thu hút nhiều dự án để nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đồng thời, với cơ chế tự chủ, ngân sách cho phép trường hỗ trợ nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, thưởng bài báo ISI,…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo gắn với nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh - là tổ ấm đề các nhà khoa học gắn bó và sáng tạo tốt nhất. Các ý kiến thảo luận đều ủng hộ việc cần thiết hình thành các nhóm nghiên cứu, do đó cần cơ chế chính sách để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong GDĐH. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có dự thảo Nghị định hoạt động Khoa học công nghệ trong GDĐH. /.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/se-xem-xet-phuong-an-ho-tro-hoc-phi-hoc-bong-cho-dao-tao-tien-si-1053228.vov

  • Từ khóa