Nghỉ hè 3 tháng để trẻ học nhiều hơn từ chính cuộc sống

Thứ 4, 08.07.2020 | 08:40:00
696 lượt xem

Chuyên gia giáo dục cho rằng, không chỉ dạy kiến thức cho học sinh, điều quan trọng là cần dạy các em cách khai thác kiến thức, tự tìm tòi, học hỏi.

Thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến từ năm học 2021, học sinh sẽ được nghỉ hè đủ 3 tháng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến ủng hộ khi học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau 1 năm học vất vả. Bên cạnh đó cũng có không ít băn khoăn về dự thảo này của Bộ GD-ĐT.

Trao đổi với VOV.VN, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, cá nhân thầy ủng hộ phương án của Bộ GD-ĐT, song nếu đưa vào triển khai, Bộ GD-ĐT cần có quy định linh hoạt và cụ thể.

Thầy Bình cho rằng, không nên tổ chức dạy trước chương trình để học sinh có thời gian 3 tháng nghỉ hè. Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi, theo nguyện vọng của cha mẹ học sinh, các trường cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp, rèn luyện sức khỏe và kỹ năng sống cho học sinh... Thời gian còn lại, nên dành cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn.

nghi he 3 thang de tre hoc nhieu hon tu chinh cuoc song hinh 1
Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, trường có thể tổ chức các CLB, hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp cho học sinh trong tháng cuối cùng của dịp nghỉ hè. (Ảnh minh họa)

“Có nhiều cách để các em học, học trong trường lớp là một chuyện, nhưng học từ chính cuộc sống cũng vô cùng quan trọng. Các em không chỉ cần học kiến thức mà hơn hết cần được học cách tìm kiếm, khám phá kiến thức, năng lực tư duy, năng lực tự học, học tập suốt đời. Chính các phụ huynh cũng cần tham gia vào quá trình giáo dục con. Ngoài thời gian học trên trường, lớp, cha mẹ có thể giao cho con làm những việc nhà để tự rèn luyện”, thầy Bình nói.

Về việc dạy trước thời gian khai giảng, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn cho rằng,  nên “cấm triệt để” việc dạy trước chương trình trong dịp hè. Song việc ôn tập lại kiến thức là quyền và nhu cầu của mỗi học sinh, phụ huynh. “Nếu bản thân các em muốn học, miễn là không bị thầy cô ép thì vẫn có thể học theo các nhóm riêng. Nhưng nếu tổ chức học, cũng chỉ nên học từ tháng thứ 3 của kỳ nghỉ hè”, thầy Bình nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, mỗi cha mẹ học sinh cần nhân thức rằng học kiến thức không phải tất cả, cần để con được vui chơi, hạnh phúc và học thêm nhiều kỹ năng khác.

Kiến thức có thể quên khi nghỉ hè không quá quan trọng với sự thành công của trẻ

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kỳ nghỉ hè dài để con sạc lại năng lượng cho năm học mới bởi với hầu hết các học sinh, năm học đã diễn ra quá vất vả, bận rộn nên đã tổn hao rất nhiều năng lượng tinh thần. Việc nghỉ hè giúp các em thư giãn hệ thần kinh.

Nghỉ hè dài còn giúp học sinh tránh thời tiết nắng nóng cực đoan, có điều kiện ra ngoài vận động để khỏe hơn về thể chất.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trên thực tế trong năm học, khoảng cách gia đình đang bị kéo giãn. Cha mẹ cũng quá bận rộn và thường chỉ chú ý đến con khi con mắc sai lầm hay được điểm kém.

Thời gian nghỉ hè dài sẽ tạo cơ hội cho các thành viên gần nhau về mặt cảm xúc, tương tác chất lượng hơn, cha mẹ chú ý nhiều hơn đến những điểm mạnh của trẻ

Kỳ nghỉ hè dài còn có thể cho phép những học sinh lớn tham gia một số công việc bên ngoài để kiếm tiền, qua đó rèn luyện tinh thần yêu lao động, tự chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác.

nghi he 3 thang de tre hoc nhieu hon tu chinh cuoc song hinh 2
Nghỉ hè để cả thầy và trò cùng thư giãn, lấy lại năng lượng cho năm học mới. (Ảnh minh họa)

Đây cũng là cơ hội để các giáo viên được nghỉ ngơi, tránh sự kiệt sức về tinh thần, hồi phục lại sau 9 tháng làm việc vất vả, là cơ hội để các thầy cô cập nhật, củng cố kiến thức thật tốt để chuẩn bị cho năm học mới.

“Nhiều cha mẹ tin rằng nghỉ hè quá dài khiến cho học sinh quên kiến thức. Thực tế chưa có bằng chứng nghiên cứu nào khẳng định điều này.

Người ta chỉ thấy thời gian nghỉ dài hơn khiến việc quay trở lại với thời gian biểu học kỳ khó khăn hơn.

Nghỉ hè các em không còn phải dậy sớm mỗi ngày, không cần đi ngủ đúng giờ, không còn duy trì thời gian đọc sách ôn lại bài nên gặp những khó khăn đáng kể khi trở lại lịch trình này sau một thời gian chùng xuống khá dài.

Biện pháp khắc phục là trước thời gian quay trở lại trường, cha mẹ cần giúp con điều chỉnh lại lịch sinh hoạt để dần thích nghi với lịch trình năm học.

Những hoạt động như cùng chuẩn bị sách vở, trao đổi về mục tiêu và lên kế hoạch cho năm học mới rất phù hợp cho việc khởi động”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.

Chuyên gia này cho rằng, những kiến thức cha mẹ sợ con quên trong kỳ nghỉ hè không quá quan trọng với sự thành công của trẻ: “Những kiến thức “chết” phải ghi nhớ “vẹt” mới dễ quên nhưng có thể nhanh chóng tìm thấy trên mạng internet.

Để thành công, con cần những kiến thức “sống” được chuyển hóa vào tình huống thực tiễn nhằm rút ra quy luật, giải pháp”, PGS.TS Nam nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nếu những năng lực này đã hình thành, các con không thể quên sau 3 tháng hè. Điều này giống việc một người đã biết đi xe đạp thì sẽ khó quên cách đi.

Nghỉ hè không có nghĩa là ngừng hoạt động giáo dục

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều quan trọng nhất khi học sinh nghỉ hè là bố mẹ và nhà trường phải tạo ra các cơ hội trải nghiệm để giúp  các em vận dụng những kiến thức mới học trong năm học vào giải quyết những tình huống thực tiễn trong thời gian hè.

Bên cạnh đó, một kỹ năng rất quan trọng của trẻ là năng lực tư duy phản biện sáng tạo để hình thành thì trẻ cần có những khoảng thời gian hoàn toàn “không làm gì cả” để thực sự tự do suy nghĩ theo cách của mình. Đó chính là không gian để các ý tưởng sáng tạo nảy sinh.

“Để thời gian nghỉ hè của trẻ không nhàm chán mà trở nên thú vị, hữu ích, cần có sự tham gia rất chủ động của gia đình và cha mẹ.


Nghỉ hè không có nghĩa là dừng lại mọi hoạt động giáo dục. Nếu cha mẹ làm cho trẻ háo hức và bận rộn với những hoạt động sở thích, sống độc lập và có trách nhiệm, các em cũng sẽ không có thời gian nghiện game.

Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc lựa chọn các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống một cách thông thái, hữu ích.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, cá nhân ông ủng hộ việc nghỉ hè 3 tháng nhưng cũng khuyến nghị nhà trường sẽ xây dựng và tư vấn cho phụ huynh các hoạt động phù hợp để giáo dục giá trị sống kỹ năng sống cho con trong thời gian hè.

“Tôi cũng cho rằng cần chuẩn hóa và quản lý các cơ sở, trung tâm cung cấp các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống hay STEM để đảm bảo cung cấp các dịch vụ có chất lượng, chương trình và giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn khoa học.

Tôi cũng ủng hộ việc không dạy thêm, dạy trước chương trình nhưng cần phải có một số ngoại lệ.

Ví dụ, học kỳ hè vẫn nên được tổ chức để hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, những học sinh có hoàn cảnh khách quan như bị ốm hoặc tai nạn phải nằm viện dài ngày, những học sinh mắc chứng rối loạn học tập…

Việc tổ chức các lớp học hè cho đối tượng này giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa học sinh, để đến năm học mới, mọi học sinh có năng lực như nhau, góp phần thực hiện quyền bình đẳng về cơ hội giữa các học sinh, không để em nào bị tụt lại phía sau”, ông Nam nói./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nghi-he-3-thang-de-tre-hoc-nhieu-hon-tu-chinh-cuoc-song-1068300.vov

  • Từ khóa