Để khắc phục tính nhút nhát, bạn nên cho trẻ tăng cường tham gia thảo luận trong gia đình, tập đặt câu hỏi và giới thiệu bản thân.
Khi con đi học, bạn sẽ mong con có thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô, tự tin tham gia các cuộc thảo luận, thậm chí trở thành người phát biểu trước toàn trường trong ngày bế giảng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng làm được điều đó, đặc biệt là trẻ nhút nhát.
Nếu bạn đang cố gắng giúp trẻ tự tin hơn khi giao tiếp, cần nhớ rằng đây là quá trình tốn thời gian và công sức. Bạn không thể biến trẻ thành diễn giả chỉ trong 1-2 ngày. Vậy nên hãy kiên nhẫn và cùng trẻ cố gắng. Sau đây là 10 cách để bạn giúp trẻ xây dựng sự vững vàng, tự tin khi giao tiếp.
Tăng cường thảo luận trong gia đình
Bạn nên cổ vũ trẻ đưa ra ý kiến cá nhân nhiều hơn trong những cuộc thảo luận gia đình. Hãy hỏi trẻ rằng gia đình bạn nên xem chương trình TV nào vào tối nay, hay nên đi cửa hàng mua sắm nào vào ngày hôm sau. Bạn cần cổ vũ trẻ nhỏ nói càng nhiều càng tốt.
Đưa ra quyết định
Bạn hãy để trẻ đưa ra những quyết định nhỏ cho cuộc sống cá nhân. Ví dụ, bạn có thể hỏi trẻ muốn mặc bộ quần áo nào đi học hoặc ăn sáng món gì. Việc đưa ra quyết định và trình bày mong muốn từ những vấn đề nhỏ sẽ dần dần xây dựng sự tự tin trong trẻ.
Làm việc nhỏ
Bạn cũng có thể nhờ trẻ những việc nhỏ để xây dựng sự tự tin, ví dụ nhờ hát tặng bố mẹ, anh chị em một bài và phát biểu trong các dịp tụ tập của gia đình. Đứng trước người thân, dù có thể còn đôi chút ngại ngùng, dần dần trẻ sẽ thử những trách nhiệm mới này và cảm thấy bớt ngại với việc phát biểu, biểu diễn, giảm lo sợ khi đứng trước đám đông.
Luyện tập phần mở đầu
Thông thường, trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn nhất khi giao tiếp chủ yếu bởi vì không biết cách mở đầu khi gặp người lạ. Trẻ gặp khó trong việc giới thiệu bản thân, trình bày mục đích của cuộc nói chuyện, phát biểu. Sau khi vượt qua được bước mở đầu này, trẻ sẽ phần nào cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp và nội dung nói chuyện sau đó sẽ có thể mạch lạc, dễ dàng hơn.
Bạn nên giúp trẻ tập và chuẩn bị các cách mở đầu cuộc nói chuyện, ví dụ cách giới thiệu bản thân.
Kết bạn
Trẻ nhỏ càng tiếp xúc nhiều với bạn bè đồng trang lứa sẽ càng dễ xây dựng sự tự tin khi giao tiếp, đặc biệt là trong các nhóm nhỏ. Phụ huynh nên tạo cơ hội cho trẻ nhỏ có nhiều điều kiện giao tiếp, từ việc cho tham gia các nhóm sinh hoạt hè, lớp ngoại khóa, hay một vài bữa tiệc nhỏ nhỏ ở nhà cho con và các bạn.
Ảnh: Shutterstock
Được khen ngợi điểm mạnh
Trẻ em không thể tự tin nếu không hiểu rõ điểm mạnh của mình. Bạn nên cổ vũ, giúp trẻ thấy rằng bố mẹ rất tin tưởng và đề cao các em. Mỗi khi nhận thấy rằng trẻ đang giao tiếp với người khác một cách tự tin, bạn nên thể hiện sự hạnh phúc và dành lời khen ngợi.
Tuy nhiên, việc khen ngợi và đề cao trẻ cần được giữ chừng mực, không quá đà, bởi điều này có thể khiến trẻ sinh hư, tự tin thái quá vào bản thân, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực sau này.
Tham gia lớp học diễn xuất
Các lớp học ngoại khóa về diễn xuất vừa đem lại cho trẻ những trải nghiệm thú vị, vừa dạy trẻ cách thể hiện bản thân trước khán giả. Với những kỹ năng này, dù không theo tương lai diễn xuất chuyên nghiệp, trẻ vẫn có thể thấy tự tin hơn khi giao tiếp, cũng như thể hiện bản thân một cách hiệu quả hơn.
Đặt câu hỏi
Khi dẫn trẻ ra ngoài chợ hay siêu thị, bạn hãy cổ vũ trẻ đặt câu hỏi với người bán hàng lúc mua đồ. Những cuộc nói chuyện ngắn với người lạ, với mục đích rõ ràng, cụ thể như khi mua sắm sẽ là cơ hội tốt cho trẻ nhỏ luyện tập với người lạ. Khi hiểu rõ mục đích, trẻ sẽ bớt thấy ngại khi đặt câu hỏi và chủ động giao tiếp.
Diễn tập
Bạn hãy cùng trẻ diễn tập các hoàn cảnh giả tưởng, đóng vai những nhân vật khác nhau để trò chuyện. Việc thử nghiệm với nội dung, cách diễn đạt khác nhau với phụ huynh giúp trẻ cảm thấy an toàn, từ đó xây dựng sự tự tin khi thể hiện bản thân.
Phan Nghĩa/vnexpress.net
https://vnexpress.net/lam-the-nao-giup-tre-nhut-nhat-tu-tin-giao-tiep-4139231.html