Lớp học ngoài đường phố

Thứ 4, 09.09.2020 | 15:48:12
439 lượt xem

Thầy cô trường Asha Marathi Vidyalaya, làng Nilamnagar vẽ bài giảng lên tường để học sinh duy trì việc học trong thời gian nghỉ phòng Covid-19.

Khi các trường học tại Ấn Độ đóng cửa từ tháng 3, giáo viên trường Asha Marathi Vidyalaya, làng Nilamnagar, lo lắng học sinh không thể theo kịp bài giảng trực tuyến. Hầu hết học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có tiền trả phí Internet. Biết học sinh thích chơi đùa trên đường phố, thầy cô vẽ các bài giảng lên tường để các em học ngoài đường.

Đến nay, có 250 bức tường được vẽ bởi một họa sĩ trong làng và giáo viên nhà trường. Thời gian tới, trường dự kiến vẽ thêm 200 bức tranh khác. Số tranh tường này phục vụ khoảng 1.700 học sinh 6-16 tuổi.

Kalidas Chavdekar, giáo viên trường Asha Marathi Vidyalaya dạy học sinh từ mới tiếng Anh qua tranh tường. Ảnh: AFP.

Kalidas Chavdekar, giáo viên trường Asha Marathi Vidyalaya dạy học sinh từ mới tiếng Anh qua tranh tường. Ảnh: AFP.

Mỗi buổi sáng tại ngôi làng hơn 30.000 dân, trẻ em tụ tập thành nhóm nhỏ, ngồi dưới lòng đường nghe giáo viên giảng bài từ các bức tranh tường. Giáo viên đi bộ xung quanh làng, qua từng "lớp học" để giảng bài, giao bài tập và trở lại giải đáp thắc mắc của học sinh. Tranh là bản tóm tắt của các môn như ngôn ngữ, lượng giác, được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng địa phương.

Trên một bức tường màu vàng nhạt, thầy cô vẽ hình đồ vật minh họa từ tiếng Anh, yêu cầu học sinh nghe phát âm và lặp lại. Ở bức tường khác là hình các đồ vật bắt đầu bằng chữ S trong tiếng Anh như xe tay ga (scooter), xích đu (swing). Bên dưới tranh có dòng nhắc nhở "hãy nhìn, nghe và nói".

Yashwant Anjalakar, 13 tuổi, kể mỗi ngày theo mẹ đi chợ, em có thể xem lại các bài học trên tường để không quên kiến thức và học điều mới. "Ở nhà thật nhàm chán và những bức tranh tường giúp em duy trì việc học. Em muốn tiếp tục học ngay cả trong thời gian khó khăn này", Anjalakar nói.

Tasleem Pathan, Hiệu trưởng trường Asha Marathi Vidyalaya, cho biết ban đầu nhà trường trích quỹ và tiền đóng góp của giáo viên để thực hiện dự án. Để ủng hộ phương pháp học mới, nhiều phụ huynh hỗ trợ chi phí với tổng số tiền là 150.000 Rupee (khoảng 47 triệu đồng).

"Cả ngôi làng được thay áo mới, nhằm giúp trẻ em tiếp cận với giáo dục trong thời gian đại dịch bùng phát", Pathan nói.


Tú Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/lop-hoc-ngoai-duong-pho-4158984.html

  • Từ khóa