Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) là một tổ chức tự nguyện có vai trò trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, ban đại diện chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi thực hiện đúng vai trò của mình trong việc đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh.
Cuối tháng 9/2020, đi họp phụ huynh đầu năm học 2020 – 2021 về, chị N.T.T, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn lo lắng về khoản tiền nộp cho con trai đang học lớp 11 tại Trường THPT Chuyên Chu Văn An. Chị chia sẻ: Nghĩ đến các khoản thu, nộp đầu năm học thấy lo lắng lắm. Cả năm học các “khoản cứng” nộp gần 5 triệu đồng chia ra 2 kỳ. Một số khoản nói là nộp tự nguyện nhưng ban phụ huynh đưa ra lấy ý kiến thì mọi người đồng ý nộp thôi. Ai cũng nghĩ so đo gì một hai trăm nghìn. Nhà có của thì không sao, khó khăn như tôi là vất vả lắm…
Học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc cùng nhau ôn bài
Băn khoăn của phụ huynh năm nào cũng “đến hẹn lại lo”. Những khoản nộp theo quy định bắt buộc thì là trách nhiệm của gia đình, nhưng những khoản mang tên “xã hội hóa” hay “tự nguyện” như: quỹ trường, quỹ lớp, quỹ khuyến học; xã hội hóa mua trang thiết bị phục vụ học sinh tại lớp (quạt, điều hòa, máy chiếu, cây nước nóng lạnh, giá để đồ…) thực sự tăng thêm khó khăn cho CMHS.
Anh L.H.T, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi con còn học cấp tiểu học, tôi nhiều năm được tín nhiệm tham gia ban đại diện CMHS của trường. Quá trình tham gia, tôi thấy có một số chủ trương xã hội hóa do ban giám hiệu trường đề ra như: làm mái tôn, lát sân trường, bồn hoa các lớp… nhiều phụ huynh không mấy đồng tình nhưng vì ai cũng nộp nên họ bắt buộc phải nộp theo.
Như vậy, giữa xã hội hóa và lạm thu có ranh giới rất mong manh và để xã hội hóa không trở thành lạm thu rất cần phát huy vai trò của ban đại diện CMHS . Nhất là khi Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55 ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện CMHS, qua đó tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động.
Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, ban đại diện CMHS trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy vai trò của mình. Thậm chí, một số ban còn huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, phần lớn các CMHS tham gia vào ban đại diện của lớp, trường đều kiêm nhiệm, bận việc nên chưa nghiên cứu được nhiều thậm chí nhiều CMHS còn chưa nắm bắt được nội dung Thông tư 55. Chị B.T.H, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Tôi được bầu vào ban đại diện CMHS lớp của con nhưng bận nhiều công việc nên có hoạt động gì cô giáo và các mẹ giao cho thì làm thôi, chứ có thời gian đâu mà nghiên cứu, miễn sao các khoản đóng góp phục vụ cho lớp, trong đó, con mình được hưởng, đóng không nhiều quá, trong khả năng là được.
Ông Hoàng Văn Hưng, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: Công tác thanh, kiểm tra hằng năm được thực hiện thường xuyên. Qua thanh, kiểm tra cho thấy, chưa có trường hợp nào vi phạm quy định đến mức phải ra quyết định thu hồi lại kinh phí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường triển khai chưa đảm bảo quy trình, trình tự thu theo quy định. Năm học 2020 – 2021, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, thanh tra một số trường trên địa bàn, trong đó có thanh tra công tác thu đầu năm học.
Cùng với vai trò của ban đại diện CMHS, thiết nghĩ, chính mỗi phụ huynh cần có ý kiến, chính kiến về các khoản thu khi đi họp đầu năm. Nếu thấy khoản thu không hợp lý, phụ huynh cần có ý kiến phản ánh với giáo viên và nhà trường. Có như vậy, vấn đề chống lạm thu mới hiệu quả, sẽ không trở thành đề tài “nóng” mỗi dịp đầu năm học mới.
PHONG LINH/BAOLANGSON.VN