"SGK Tiếng Việt lớp 1 không phải sạn mà là sai cơ bản, cần thu hồi"

Chủ nhật, 18.10.2020 | 00:00:00
907 lượt xem

Chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu cho SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều có phải là giải pháp đúng?

Sau hơn 1 tháng đưa vào dạy và học, SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng sách có một số nội dung không phù hợp.

Theo đó, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả và thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia giáo dục đóng góp ý kiến cho rằng, cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 này không phải có nhiều sạn mà là sai cơ bản. Do vậy việc chỉnh sửa sẽ giống như sự chắp vá.

Trả lời phỏng vấn với PV VOV, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông, nguyên Giảng viên cao cấp Trường ĐHKHXH&NV, đã phân tích cụ thể những nội dụng mà ông cho là sai cơ bản của cuốn sách, đồng thời để xuất thu hồi. 

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông trao đổi với PV VOV.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, ông cho rằng SGK Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều không phải có nhiều “hạt sạn” mà lại sai cơ bản. Vậy xin ông chia sẻ cụ thể hơn về ý kiến đánh giá này dưới góc độ của một nhà nghiên cứu?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Theo góc độ chuyên môn, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 này không phải có nhiều hạt sạn, mà là sai cơ bản. Thứ nhất, sai về phương pháp biên soạn. Thứ hai, sai về ngôn ngữ (cụ thể là Tiếng Việt) khi người biên soạn rất “ngô nghê” trong việc giải thích các từ ngữ cho trẻ em. Chúng ta đừng có quan niệm rằng, dạy cho trẻ thì dạy thế nào cũng được, điều này là rất sai. Dạy cho trẻ là phải dạy bài bải ngay từ đầu. Là SGK Tiếng Việt mà Tiếng Việt lại không đạt yêu cầu thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến những mặt khác. 

Tôi thấy trong nhiều bài học thiếu đi chất văn học, do vậy khó có thể dạy thành công Tiếng Việt như mong đợi. Bởi Tiếng Việt dạy cho học sinh và cho người học nói chung phải là Tiếng Việt văn học, chứ không phải là Tiếng Việt khẩu ngữ  hay của đời sống hàng ngày. Đặc biệt, nói về khẩu ngữ thì khẩu ngữ của những nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ… cũng đã khác hẳn khẩu ngữ dùng cho đời sống hàng ngày. Trong cuốn sách này sử dụng không phải văn viết mà là văn nói, nhưng văn nói lại không đạt được khẩu ngữ của người có trình độ. Tôi phải nói là nó rất “lủng củng, lổn nhổn, sống sượng”. Khi đọc văn bản đã cảm thấy rất ngô nghê.   

Đánh giá cuốn sách trên góc độ chuyên môn, đánh giá từ hình ảnh đã thấy thất bại lớn. Một cuốn sách Tiếng Việt ra đời thì giáo viên phải dạy trực tiếp và học sinh phải tiếp thu được. Nhưng phụ huynh phản ánh việc mình phải đánh vật khi học với con, thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện dạy và học cùng con. Chưa kể đến trình độ, kiến thức, riêng vấn đề thời gian, áp lực cuộc sống hiện còn rất nặng nề với một số gia đình. Thế mà đến tối, phụ huynh lại “bò ra” học cùng con thì quá vất vả. Chứng tỏ hiệu quả của SGK rất thấp. Một cuốn sách đạt yêu cầu phải là thầy cô dạy trên lớp là học sinh khi về nhà có thể tự học. 

Về góc độ chuyên môn, cuốn sách bộc lộ rất nhiều vấn đề. Thông thường, khi dạy ngôn ngữ, người ta phải gắn với dạy văn hoá của một dân tộc. Nhưng nội dung văn hoá trong sách hoàn toàn không đạt, thậm chí nhiều chi tiết phản văn hoá. Cuốn sách còn rất khiên cưỡng khi dạy học sinh học vần và áp đặt ý tưởng mà không dựa trên yếu tố khách quan khoa học nào. Theo đó, không đạt được hiệu quả về mặt nhận thức để học sinh hiểu và thấm sâu bài học. Dạy trẻ điều đầu tiên cần gắn với thực tiễn đời sống, gắn với đời sống hiện đại và nhất là văn hoá của người Việt Nam. Tôi muốn lấy ví dụ bài “Chuột Út” rất phản cảm về mặt văn hoá và dạy trẻ em thói hư. Một đứa trẻ thấy mẹ nấu nướng, ít nhất không giúp mẹ thì cũng cần học mẹ. Nhưng “Chuột Út” thấy mẹ nấu cơm lại buồn, bỏ đi chơi… Trong nội dung này không có một chút nào về văn hoá giao tiếp và ứng xử. Hay “Bà ở quê ra phố có quà” có thể tạo thành thói quen tư duy không tốt.

Về mặt ngôn ngữ và giáo dục, một cuốn sách dạy tiếng phải đảm bảo có ý nghĩa giáo dục và phải hướng về cái thiện, hướng về điều tốt đẹp. Trẻ em như tờ giấy trắng, dạy nào nên thế, nhưng trong sách lại đưa nhiều hình ảnh bạo lực, thì đây là điều không tốt với con trẻ. 

Về mặt khoa học, nội dung cuốn sách cũng rất lộn xộn và không đảm bảo. Người viết chắp vá, cụ thể như bài học về “Con ve và con gà” - đây là câu chuyện đã được đăng trên báo Việt Nam từ năm 1883, “Ve và kiến”. Bài học gốc không chỉ đảm bảo tính khoa học gợi lên hình ảnh đàn kiến cần cù kiếm ăn, trong khi chú ve chỉ ca hát trong của mùa Hè. Bên cạnh đó, ve với kiến sẽ khác hoàn toàn ve với gà khi logic thực tế ve có thể là thức ăn của gà. Như vậy sẽ vô cùng phi lý khi gà lại trò chuyện với ve. Anh đã dựng lên một bối cảnh giao tiếp không có thực, thậm chí là hoàn toàn bịa đặt phi lý. Đây là sự vi phạm về tư duy logic và xuất hiện  khá nhiều trong nội dung trong cuốn sách. Sự chắp vá này sẽ làm hỏng tư duy của học sinh. Người viết đã hoàn toàn không chú ý đến rèn luyện tư duy logic cho học sinh. 

PV: Theo ông, việc Hội đồng thẩm định và tác giả chỉnh sửa, thêm ngữ liệu cho SGK Tiếng Việt lớp 1 này có thể giải quyết được triệt để vấn đề không?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Với một bộ sách, hay một công trình nghiên cứu, khi nói đến những hạt sạn thì đó là những vấn đề nhỏ, những thiếu sót mang tính không cơ bản. Nếu là hạt sạn, chúng ta có thể nhặt bỏ đi và vẫn tiếp tục sử dụng được. 

Tuy nhiên, tất cả những lỗi của cuốn sách này không thể gọi là “sạn” được mà đây là do phương pháp biên soạn chưa chuẩn. 

Biên soạn đã chắp vá thì giờ đây cách chỉnh sửa cũng mang tính chắp vá. Cuốn sách đã không đạt yêu cầu thì việc bổ sung ngữ liệu cho giáo viên thì cách xử lý vẫn sẽ “sống sít”. Cuốn sách đã được dạy và học trong hơn một tháng qua, nếu bây giờ để chờ chỉnh sửa thì sẽ gây rất nhiều phiền toái cho các gia đình, gây tốn kém vô cùng, thậm chí là ảnh hưởng tới đào tạo lâu dài với học sinh. 

Đội ngũ biên soạn có xuất phát điểm sai, khi anh dựa vào cái gì đề lựa chọn phương pháp biên soạn, chưa kể ngữ liệu quá yếu. Bởi ngữ liệu dùng cho sách trẻ em không cần phải lấy đâu xa, mà lấy ngay trong vốn từ, vốn văn hoá và văn học của dân tộc rất phong phú. Kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ là những lời hay ý đẹp, là sản phẩm lao động ngàn đời của rất nhiều thế Việt Nam, là sự đúc kết mang tính lịch sử. Vậy tại sao không đưa vào giảng dạy, lại sử dụng đến những ngụ ngôn nước ngoài? Mỗi một dân tộc có văn hoá riêng, có bản sắc riêng. Còn khi tiếp thu tinh hoa thế giới, anh phải có trường vốn đầy đủ. Tiếng của dân tộc, bản ngữ của dân tộc anh chưa hiểu rõ thì làm sao có thể tiếp thu văn hoá nước ngoài. 

Các bạn có con, còn tôi có cháu đi học nên thực trạng này rất đáng lo ngại. 

PV: Như vậy là ông đề xuất thu hồi?

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Một bộ SGK có quá nhiều lỗi sai, dư luận, người dân đã có ý kiến, các nhà nghiên cứu trong ngành cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, thì nên thu hồi. Bất cứ chỉnh sửa nào cũng thêm phần chắp vá. Một bộ SGK liên quan đến con người thì việc giải quyết phải dứt khoát, không chấp nhận sự chắp vá. Sách một nơi, tri thức một nẻo. Đặc điểm của con vật không biết, từ ngữ không biết dùng khiến cuốn sách thất bại. Khi muốn dạy một từ, dạy cách phát âm nhưng lại không biết tạo ra văn cảnh, ngữ cảnh sử dụng từ. Người viết giống như không có tư duy về văn học, về đời sống hiện thực, càng đọc càng buồn cười. 

Trẻ em không phải vật thí điểm của các nhà khoa học. Đây là điểm chúng ta phải suy nghĩ nhiều vì không thể biến cả một thế hệ thành vật thí nghiệm. Tôi quan niệm rằng, biên soạn SGK phải được tiến hành bài bàn trong một hệ thống thống nhất dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nếu không hệ quả là vô cùng nguy hiểm. Không chỉ tốn kém chi phí, mà hậu quả xã hội phải gánh cũng rất nặng, với những xáo trộn, nhất là tâm trạng, niềm tin và lòng người không yên. 

Do vậy, tôi cho rằng SGK này cần phải thu hồi. 

PV: Xin cám ơn ông!


Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/sgk-tieng-viet-lop-1-khong-phai-san-ma-la-sai-co-ban-can-thu-hoi-786925.vov

  • Từ khóa