Tinh giản biên chế nhưng không thể để thiếu giáo viên

Chủ nhật, 01.11.2020 | 08:44:40
529 lượt xem

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, câu chuyện biên chế, tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết, nhưng không thể để thiếu trường lớp, giáo viên.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục diễn ra hôm nay (31/10). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm học 2019-2020, ngành giáo dục đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, kế thừa kết quả của những năm học trước, đạt được những kết quả rõ nét.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã hoàn thành lộ trình 6 năm thực hiện đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách chủ động. Với hình thức học trực tuyến, đã thay đổi rất mạnh mẽ phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh không còn một chiều mà có nghiên cứu, tương tác, cách suy nghĩ độc lập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng đánh giá ngành giáo dục đã có những bước tiến bộ rõ nét trong đổi mới từ hệ thống giáo dục đến khung trình độ, đến chương trình, SGK, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý nhà nước, quản trị đại học, hợp tác quốc tế…

Bắt đầu cho phép dạy cao đẳng từ học sinh tốt nghiệp THCS, dạy văn hóa trong các trường nghề hay đổi mới đào tạo bác sĩ… Đây là cả quá trình đổi mới hệ thống, khung trình độ tương thích theo quốc tế.

Cơ sở vật chất giáo dục từ mầm non đến đại học có những bước tiến rất lớn, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ các cơ sở giáo dục công lập mà nhiều trường phổ thông, đại học tư thục đã được đầu tư, xây dựng với tầm nhìn và tiêu chuẩn quốc tế.

Ngành giáo dục lựa chọn thi cử là khâu đột phá. Nhưng đặt trong tổng thể công tác kiểm định, đánh giá học sinh, sinh viên cũng có nhiều đổi mới. Đơn cử, đối với giáo dục tiểu học, trước đây cách đánh giá bằng điểm đã tạo sự ganh đua, chạy theo điểm số giữa các em học sinh nhưng sau này ngành giáo dục đổi mới đánh giá để các cháu tự nỗ lực so với chính mình, đúng xu thế của thế giới một cách rất nhân văn.

Hay với việc ứng dụng công nghệ thông tin, hàng chục sổ quản lý tại các trường học đã được thay thế bằng những phần mềm cập nhật thông tin trực tiếp đến phòng giáo dục quận/huyện, sở giáo dục và tới tận Bộ GD-ĐT, góp phần cải cách hành chính trong hệ thống giáo dục tốt hơn rất nhiều.

Một trong những kết quả nổi bật của đổi mới giáo dục là thực hiện tự chủ đại học. Dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng kết quả ban đầu rất tốt, chứng minh được tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Cùng với đó là sự phát triển đa dạng của các mô hình xã hội học tập, học ngoài nhà trường, các phong trào học tập của hội khuyến học và cả xã hội. Chỉ số đổi mới sáng tạo, giáo dục phổ thông của Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 50 nước đứng đầu thế giới. Giáo dục đại học từ chỗ đứng ngoài 100 nước được xếp hạng thì đến nay chúng ta đang ở vị trí 70. Giáo dục nghề nghiệp cũng có tên trong 100 nước. Qua đó, góp phần tạo nên sức hút đầu tư của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, những kết quả đó cho thấy sau 6 năm thực hiện đổi mới, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả rất toàn diện, qua đó khẳng định Nghị quyết 29/NQ-TƯ rất đúng hướng. Làm nên những kết quả đó là nỗ lực, tâm huyết của hơn 1,3 triệu giáo, hàng triệu cựu giáo viên; sự ưu ái, quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự quan tâm, đôi lúc là thôi thúc, gay gắt, từ các hội, đoàn thể, đặc biệt là hội khuyến học, các doanh nghiệp, và toàn thể nhân dân với mong muốn về nền giáo dục tốt hơn, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Câu chuyện biên chế, tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết, nhưng chúng ta không thể để thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố ngoài lo trường lớp thì cần phải chăm lo cho giáo viên là hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đổi mới giáo dục là cả quá trình

Theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục là một quá trình không thể đổi mới ngay trong 1 năm được. Đơn cử như lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng kéo dài 6 năm và trong khi thực hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm đòi bỏ kỳ thi này.

Đổi mới sách giáo khoa (SGK) cũng phải thực hiện 5 năm mới xong và lúc chưa hoàn thành, giống như đổi mới thi, bao giờ cũng có điểm này, điểm khác. 

“Năm nay, SGK lớp 1 có những trục trặc nhưng chúng ta bình tĩnh vì 2 điểm quan trọng nhất của đổi mới chương trình, SGK gồm: Chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ là tham khảo; quy tụ nhiều người biên soạn SGK hơn để có SGK tốt hơn. Bộ GD-ĐT phải nghiêm khắc nhìn vào những điểm chưa tốt về SGK lớp 1 để chấn chỉnh, nhưng những chủ trương lớn, đúng đắn thì phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Đổi mới rất khó, cái gì đối mới cũng khó và là quá trình cọ sát, phải làm kiên định, từ trong ra ngoài, từ trên xuống. Đầu tiên phải giáo dục. Tư tưởng đổi mới này phải từ ngành giáo dục ra đến giáo viên rồi mới đến xã hội, phải từ trên xuống. Tại các địa phương, đổi mới phải bắt đầu từ người đứng đầu, trong hệ thống giáo dục thì chính từ Bộ. Giáo dục phát triển thì đất nước mới có tương lai”./.


N.T/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-bien-che-nhung-khong-the-de-thieu-giao-vien-814257.vov

  • Từ khóa