Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu đào tạo giáo viên các ngành sư phạm, giáo viên cho phổ thông hay các ngành khác thì cách đào tạo tốt nhất là đặt sinh viên vào chính bối cảnh nghề nghiệp thực tế.
Ngày 10/11, Tạp chí Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông".
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức của các trường đại học đào tạo sư phạm trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo đã thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, nghiên cứu viên, nhà quản lý đến từ 34 trường đại học và viện nghiên cứu; 8 trường cao đẳng và các trường phổ thông với 135 bài viết, tham luận.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Thế Trung, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Giáo dục Việt Nam cho rằng, nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, khoa học giáo dục và sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia đòi hỏi giáo dục phải đổi mới.
Thực chất cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay là cạnh tranh về nguồn nhân lực và về khoa học và công nghệ. Xu thế chung của thế giới khi bước vào thế kỉ XXI là tiến hành đổi mới mạnh mẽ hay cải cách giáo dục.
TS. Nguyễn Thế Trung cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một công việc hết sức trọng đại. Trong đó, đổi mới giáo dục đại học mang tính chất nền tảng, dựa trên cơ sở vẫn giữ được những nét đặc thù của giáo dục đại học trong nước; đồng thời tiệm cận được các chuẩn chung của thế giới.
"Mục tiêu cụ thể đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học chú trọng vào tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia; trong đó có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hoá các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế", TS. Nguyễn Thế Trung cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo; đồng thời nhấn mạnh, những kết quả nghiên cứu tại hội thảo là rất đáng quan tâm, có thể sử dụng, triển khai trong quản lý, đào tạo ở đại học nói chung, đào tạo giáo viên nói riêng và cả những đổi mới cho quá trình dạy và học trong nhà trường, trong bối cảnh đổi mới chương trình và sách giáo khoa hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.
“Các tham luận tại Hội thảo là tiếng nói đổi mới, sáng tạo, chuyển tải và cũng là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra mạnh mẽ, do đó, đổi mới giáo dục đại học nói chung và đổi mới giáo dục tại các trường sư phạm nói riêng cũng phải chuyển mình theo”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng, nếu đào tạo giáo viên các ngành sư phạm, giáo viên cho phổ thông hay các ngành khác thì cách đào tạo tốt nhất là đặt học viên, sinh viên vào chính bối cảnh nghề nghiệp thực tế. Do đó, muốn đổi mới cách dạy và học cho giáo viên, để cho những người thầy, người cô tương lai có cách làm mới, áp dụng những cách dạy sáng tạo, đổi mới phương pháp thì các trường sư phạm phải đổi mới cách dạy và học trước.
“Chúng ta phải áp dụng ngay phương pháp dạy và học mới cho giáo viên. Ví dụ, chúng ta muốn phát triển công nghệ giáo dục mới thì tất cả những phương pháp giáo dục đó phải áp dụng ngay trong trường sư phạm để sinh viên được trải nghiệm những phương pháp giáo dục đó trong chính môi trường đào tạo của mình.”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.
N.T/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/dao-tao-dai-hoc-can-dat-sinh-vien-vao-boi-canh-nghe-nghiep-thuc-te-816623.vov