Nhiều địa phương miền núi cho rằng, để tăng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường, cần thêm những chính sách về hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa cho học sinh.
Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1, triển khai giai đoạn 2 đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học người dân tộc thiểu số do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay (13/11) tại Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Dương, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước là việc làm có ý nghĩa và cấp thiết.
Đại diện Bộ GD-ĐT lắng nghe các kiến nghị và giải đáp thắc mắc của các địa phương về tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng kể góp phần vào việc rút ngắn khoảng cách chất lượng miền núi với miền xuôi nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.
Qua giai đoạn I triển khai thực hiện Đề án, hoạt động tăng cường tiếng Việt đã đạt được những kết quả nhất định góp phần vào việc nâng cao chất lượng và rút ngắn khoảng cách giáo dục miền núi với miền xuôi. Tuy nhiên, hoạt động tăng cường tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có nhiều bất cập như hoạt động tăng cường tiếng Việt của một số tỉnh khác.
Cụ thể, ông Mai Xuân Dương cho biết, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số khi đến trường không mạnh dạn, tự tin trong học tập, nhất là trong giao tiếp và khi tham gia các hoạt động tập thể; các em thường sử dụng tiếng mẹ đẻ, nhất là trong các giờ ra chơi làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập và hoạt động giáo dục.
Một số giáo viên người Kinh dạy học ở vùng dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng dân tộc nên chưa hiểu nhiều về phong tục tập quán đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn trong dạy học và tiếp xúc, trao đổi với cha mẹ học sinh để phối hợp giáo dục, tăng cường tiếng Việt. Ngược lại, một số giáo viên người dân tộc hạn chế về tiếng Việt, năng lực dạy học dẫn đến khó khăn trong giảng dạy, tăng cường tiếng Việt cho học sinh.
Sự quan tâm đến việc học tập đối với con em vùng dân tộc thiểu số của nhiều vị cha mẹ học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, còn có hiện tượng giao khoán việc học tập của con em mình cho thầy, cô giáo.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên cấp tiểu học thấp so với định mức nên không thực hiện được đầy đủ các hoạt động giáo dục, nhất là các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Cơ sở vật chất, học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, môi trường tiếng Việt,…dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn thiếu, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung, hoạt động tăng cường tiếng Việt nói riêng. Môi trường giao tiếp tiếng Việt của các em vùng dân tộc thiểu số bị thu hẹp cả về không gian, thời gian. Việc học tiếng Việt của học sinh tiểu học còn chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất (tiếng mẹ đẻ) và sự giao thoa ngôn ngữ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt.
Đặc biệt, ông Dương cho rằng, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, chế độ ăn trưa cho học sinh miền núi nói chung, diện tăng cường tiếng Việt vùng dân tộc thiểu số nói riêng chưa đáp ứng việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và bán trú,...
“Bộ GD-ĐT cần có chế độ ưu đãi đối với giáo viên thực hiện hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo Đề án; xem xét và có chế độ ăn trưa, chi phí tổ chức ăn trưa cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, nhất là những vùng khó khăn thuộc diện tăng cường tiếng Việt để các em duy trì sỹ số, tham gia học 2 buổi/ngày. Ngoài ra cũng cần tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn,bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo viên, hội thảo, chuyên đề, giao lưu,…về phương pháp dạy học tiếng Việt, tăng cường tiếng Việt để họ nâng cao năng lực chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm về tăng cường tiếng Việt”, ông Dương đề xuất.
Bà Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Nưa, Điện Biên cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét để có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ như hỗ trợ trẻ mẫu giáo hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp; Bộ GD-ĐT xem xét, phối hợp ban hành văn bản quy định danh mục tối thiểu về thiết bị, đồ dùng y tế, thuốc đối với phòng y tế của các cơ ở giáo dục mầm non.
Cùng kiến nghị Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ về việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ, đại diện Sở GD-ĐT Quảng Trị cho rằng, cần thêm cả hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng hộ nghèo có trẻ dưới 3 tuổi để tăng tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường; Hỗ trợ thêm chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt và dạy lớp ghép tại điểm trung tâm. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần sớm có quy định số lượng trẻ/giáo viên đối với những đơn vị vùng dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện để giáo viên thực hiện tốt việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Về kiến nghị hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ dưới 3 tuổi, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhiều lần trình Chính phủ và bộ ngành xem xét hỗ trợ tiền ăn trưa cho nhóm trẻ, nhưng do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên Chính phủ chỉ mới thực hiện chế độ với nhóm tuổi mẫu giáo.
Thời gian tới, Vụ Giáo dục mầm non sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ GD-ĐT, Chính phủ để có nhiều chính sách tốt cho trẻ, bà Hiếu nhấn mạnh./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/kien-nghi-giam-hoc-phi-ho-tro-an-trua-cho-tre-mam-non-vung-kho-khan-817382.vov