Giáo viên dân tộc thiểu số mong 'trường có nhà vệ sinh'

Thứ 3, 17.11.2020 | 14:39:58
553 lượt xem

Ba năm nuôi dạy trẻ tại Trường Mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận, cô PiNăng Thị Hải (24 tuổi, dân tộc Raglai) đau đáu chuyện có nhà vệ sinh tử tế cho trẻ.

Điểm trường nơi cô dạy cách xa huyện hơn một giờ đồng hồ đi xe máy, phải dạy lớp ghép với 34 học sinh, chăm lo cho các em từ bữa cơm, giấc ngủ. "Khó khăn đó không thấm vào đâu so với cái khó của học trò", cô Hải nói.

Ở trường các con học bán trú ăn, ngủ, nghỉ tại trường, nhưng chưa có nhà vệ sinh đảm bảo. "Hiện các con đã được giáo dục giới tính, tôi rất mong có phòng vệ sinh nam riêng, nữ riêng cho các con", cô Hải nói khi gặp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 16/11, trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Công tác tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cô giáo Vàng Ha De (30 tuổi, dân tộc La Hủ) chia sẻ lớp học của cô trò ở Trường Mầm non Bum Tở dựng bằng ván gỗ, trống hoác. "Nhiều lúc, tôi thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khổ", cô De bật khóc nói.

Các thầy cô trong buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Hải Đăng.

Các thầy cô trong buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Hải Đăng.

Cô Phùng Thị Thủy (28 tuổi, dân tộc Thái) thì bộc bạch công tác tại điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện nên thường chỉ vào dịp cuối tuần, cô mới được liên lạc về gia đình một lần.

Chia sẻ và gửi lời cảm ơn thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn, kiên cường bám lớp, bám bản "gieo chữ", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh "muốn phát triển phải học, bà con miền núi muốn đổi đời nhất định phải học". Phó thủ tướng cho biết sẽ phối hợp cùng các cấp ngành triển khai năm vấn đề, cũng là mong muốn của thầy cô giáo dân tộc thiểu số.

Đó là tùy điều kiện để triển khai nhà vệ sinh cho con em; các điểm trường hiện chưa có điện lưới quốc gia thì lắp điện mặt trời, không dùng được 24/24h thì ít nhất dùng một số thời điểm; tất cả trường có sóng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp; hỗ trợ bằng mọi cách để con em ở xa đến trường có bữa ăn trưa; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc cho học sinh.

Phó thủ tướng mong muốn 63 thầy, cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 sẽ là "đại sứ" truyền cảm hứng đến giáo viên các trường khó khăn, là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh kỷ niệm với 63 thầy cô. Ảnh: Hải Đăng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh kỷ niệm với 63 thầy cô. Ảnh: Hải Đăng.

Cũng trong ngày 16/11, 63 thầy cô đã gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều thầy cô tiếp tục nêu khó khăn về cơ sở vật chất, trong đó nổi bật là thiếu sân chơi, thiết bị dạy học.

Thầy Thào A Vàng (32 tuổi, dân tộc Mông), giáo viên trường Tiểu học và THCS Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cho hay đa số học sinh của trường ở bán trú từ đầu tuần đến cuối tuần mới về nhà. Trường không có sân chơi nên rất bất tiện, thầy cô cũng khó khăn trong việc chăm sóc. "Tôi mong muốn được hỗ trợ xây một nhà đa năng để học sinh có chỗ chơi, tập thể dục thể thao", thầy Vàng nói.


Dương Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/giao-vien-dan-toc-thieu-so-mong-truong-co-nha-ve-sinh-4192679.html

  • Từ khóa