Hiếu học và ” Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người giáo viên vẫn luôn được dân yêu mến và ca ngợi.
“Tôn sư” nghĩa là tôn kính thầy cô giáo, những người đã có công khai tâm, mở trí cho mọi người. Trải qua nhiều thế hệ, nghề dạy học có lúc thăng trầm nhưng phẩm chất của người thầy, cô giáo vẫn luôn được giữ vững. “Đạo” làm người đã khó, “đạo” làm thầy càng khó hơn. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, con đường đi đến sự hoàn thiện trong nghề nghiệp.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi năm 2020 – 2021. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Trong suốt cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí người thầy giáo. Bác Hồ đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Hoặc “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý… nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Câu thành ngữ “Không có thầy, đố mày làm nên”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”… đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội và đức tính hiếu học của Nhân dân ta. Trong tình cảm ấy, lòng biết ơn ấy không chỉ được thể hiện vào dịp tết, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) mà phải thực hiện bằng sự tôn trọng, vâng lời thầy cô mỗi giờ lên lớp, bằng kết quả học tập tốt và trong suốt cả cuộc đời
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực dựa trên nền tảng các phát minh, phát triển thuộc 3 xu hướng: vật lý, số hóa và sinh học. Mặc dù có những thay đổi về phương tiện, công cụ, phương thức giao tiếp trong giáo dục nhưng không có một loại máy móc hay đường lối gián tiếp nào có thể thay thế tất cả các giá trị nhân văn xuất phát từ quan hệ thầy – trò. Những ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào quá trình dạy học ngày càng phát triển hiện đại, nhưng chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên, chứ không thể thay thế vai trò của người thầy. Tuy nhiên, thời đại công nghiệp 4.0 đã tạo cơ hội mới, nhưng cũng đặt nhà giáo trước thách thức mới. Giáo viên phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ.
Với cơ hội mà công nghệ thông tin truyền thông 4.0 đưa lại, những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo thật sự có giá trị của bất kỳ cá nhân nhà giáo nào cũng dễ dàng được truyền bá đến số lượng người học đông hơn so với trước đây. Rõ ràng, vị trí của nhà giáo trong thời đại thông tin không hề giảm mà có cơ hội tăng lên. Tuy nhiên, việc có giữ vững và nâng cao được vị trí đó hay không còn tùy thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng nhà giáo. Trong nhà trường, giáo viên đóng vai trò chủ đạo, có nghĩa giáo viên không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh.
Trong thời kỳ khoa học, công nghệ, dạy học lấy học sinh làm trung tâm nhưng vai trò của giáo viên không hề giảm nhẹ, trái lại, giáo viên càng phải phấn đấu để có trình độ cao hơn về chuyên môn, nghiệp vụ. Các cụ ta thường nói: “Người giáo viên bình thường mang chân lý cho học trò, người giáo viên giỏi biết dạy cho học trò tìm chân lý”. Trong một thế giới khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển vừa mang lại sự biến đổi nhanh trong đời sống xã hội, vừa tạo ra sự chuyển dịch các định hướng giá trị thì người giáo viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà đồng thời phải có khả năng phát triển những cảm xúc, thái độ, hành vi ứng xử của học sinh; bảo đảm cho học sinh làm chủ và biết ứng dụng hợp lý những tri thức đó. Robot có thể thay thế người thầy đứng trên bục giảng, có thể ghi bảng, có thể truyền thụ nhiều kiến thức chuẩn nhưng do không có trái tim nên không thể truyền được hứng thú, tình cảm thật của thầy cô đến học sinh. Quá trình dạy cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học.
Chuyển từ phát triển giáo dục và đào tạo, từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Việc học cần chuyển học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Hệ thống giáo dục và đào tạo phải nhanh chóng thay đổi từ phương pháp quản lý cho tới giảng dạy và học tập theo tiêu chuẩn mới – tiêu chuẩn giáo dục thời kỳ công nghiệp 4.0 để phát triển nguồn nhân lực, bắt kịp với tốc độ thay đổi của cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Công nghệ thông tin đặt ra bao nhiêu thách thức và cơ hội cho giới trẻ là bấy nhiêu thách thức và cơ hội cho người thầy. Thế nên, người thầy trong thời đại công nghiệp 4.0 cần mở rộng tầm nhìn, tư duy và phát triển bản thân, đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên thành công và người thầy vẫn được nguời dân yêu mến, ca ngợi.
Mai Tùng/Baolangson.vn
http://baolangson.vn/giao-duc/325123-truyen-thong-ton-su-trong-daocua-mot-dan-toc-hieu-hoc.html