Câu chuyện về những sai sót của Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1- bộ sách Cánh Diều đến giờ vẫn thu hút sự chú ý của dư luận và gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM vừa công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên, phụ huynh, người dân trước khi đưa vào thay thế các nội dung cũ. Điều quan trọng là liệu việc điều chỉnh, bổ sung này có thành chắp vá hay làm khó giáo viên và học sinh như lo ngại trước đó?
Nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học năm nay tỏ ra vui mừng trước việc NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh, bổ sung của Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Cùng với đó là những băn khoăn liệu việc chỉnh sửa có gây khó cho học sinh hay không.
Hầu hết những nội dung gây bức xúc dư luận thời gian qua đều được bổ sung ngữ liệu mới. Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài học chưa phù hợp và hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài. 11 bài đọc ở các SGK Tiếng Việt 1 và tập 2 bộ sách Cánh Diều được thay thế, nhiều từ ngữ được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp cũng đã được các tác giả loại bỏ, thay thế từ khác.
Cô Lê Thị Huyền, Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khẳng định, điều chỉnh là cần thiết vì điều này thể hiện sự lắng nghe, động thái kịp thời của Bộ GD-ĐT, NXB, tác giả trước góp ý của xã hội trong việc điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp.
Theo cô Lê Thị Huyền ngay cả khi chưa có sự điều chỉnh, cô và các đồng nghiệp đã linh hoạt trong việc thay đổi ngữ liệu để việc dạy học sao cho hiệu quả nhất: "Trong bài tập đọc “Sẻ và quạ” chúng tôi thấy cần sự điều chỉnh. Sau khi chúng tôi soạn bài thì đã thống nhất với Ban giám hiệu cùng với sự thống nhất với các giáo viên trong khối đã có sự điều chỉnh đồng nhất ở trong khối".
Nói về việc sự điều chỉnh có làm vất vả hành trình dạy học của giáo viên hay không khi học sinh đã học đến nửa học kỳ I? cô Trần Thị Lan Anh, Trường Tiểu học Phùng Hưng, Quận 11, TP HCM cho rằng, nếu hoàn thiện từ đầu, không có sự điều chỉnh nào từ khi triển khai, giáo viên, học sinh sẽ thuận lợi hơn trong sử dụng học liệu. Song có sự điều chỉnh, thay đổi về ngữ liệu, từ ngữ sắp tới với SGK Tiếng Việt 1 -Cánh Diều cũng không phải là điều quá phiền phức.
Ở góc nhìn khắt khe hơn, sau khi đọc nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, chuyên gia giáo dục tiểu học Vũ Thu Hương vẫn chưa thể yên tâm. Bà cho rằng, những phần chỉnh sửa, đính chính vẫn bị rối, đánh đố trẻ nhỏ vì vẫn phức tạp so với tầm nhận thức của trẻ em ở độ tuổi lên 6: "Việc thay thế từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ từ này sang từ khác chỉ có thể giải quyết được những bức xúc. Ví dụ chữ “Quà quà” đã được thay thành “Quạ quạ” chỉ là an lòng dư luận chứ chưa thực sự hiểu về tâm sinh lý trẻ em. Với rất nhiều chữ mà chúng tôi thấy trẻ em tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 thì chúng tôi vẫn thấy để nguyên trong bộ sách Cánh Diều".
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lẽ ra sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận. Thế nhưng, việc biên soạn SGK lớp 1 vừa rồi đã làm theo một quy trình ngược, các khâu thẩm định, thực nghiệm có vẻ đều vội vàng. Trong khi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, có thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị. PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, dù còn ý kiến khác nhau về bản điều chỉnh SGK Cánh Diều, nhưng phụ huynh, giáo viên cần coi đây là cơ hội tốt để theo dõi kỹ nội dung điều chỉnh và có góp ý cụ thể.
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường, Hội đồng thẩm định SGK sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11. Nhưng với những gì xảy ra ở lần thẩm định trước, dư luận khó có thể yên tâm vào kết quả thẩm định lần này. Chưa kể, ở thời điểm này, SGK lớp 2 và lớp 6 đã trong quá trình thẩm định vòng 2 để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Từ bài học kinh nghiệm sửa sai của SGK lớp 1, việc thực nghiệm hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 lẽ ra nên được làm ngay từ khi chuẩn bị áp dụng SGK lớp 1.
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu có một quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc thì sẽ không mắc phải những sai sót như trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thời gian vừa qua: "Việc chúng ta tổ chức thực nghiệm, giảng dạy SGK mới thời gian dài hơn, phạm vi thực nghiệm rộng hơn, thì chắc chắn việc hoàn thiện sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ là trước khi Hội đồng thẩm định họp cần có nhiều kênh để tập hợp những ý kiến đóng góp, nhận xét đặc biệt là phản biện từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy cũng như phụ huynh học sinh".
Sau khi Hội đồng thẩm định lần cuối, tài liệu chỉnh sửa bổ sung sẽ được in ấn và phát miễn phí đến tay từng học sinh đang sử dụng bộ sách Cánh Diều trước ngày 30/11. Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc có 1 cuốn SGK Tiếng Việt bản chính, mỗi học sinh sẽ có 1 bản phụ, bản đính chính, kèm theo./.
Lê Thu/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/dieu-chinh-bo-sung-sgk-tieng-viet-1-lieu-co-nhat-het-san-819136.vov