Tự chủ đại học là tất yếu - vướng đâu gỡ đó?

Thứ 2, 07.12.2020 | 10:15:50
430 lượt xem

Cho đến thời điểm này, việc khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu đã thể hiện, chứng minh bằng thực tiễn, nhiều trường đã có những bước tiến vượt bậc.

Giảng viên và sinh viên Đại học Quốc tế- Đại học Quốc gia TP HCM trong phòng thí nghiệm.

Cho đến thời điểm này, việc khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu đã thể hiện, chứng minh bằng thực tiễn. Từ những trường đại học công lập thuộc Bộ Giáo dục- Đào tạo như Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đến các trường trực thuộc các bộ ngành như Đại học Công nghiệp, Đại học Tài chính- Marketing… đều có bước phát triển đáng kể.

Dễ nhận thấy nhất là từ cơ sở vật chất ban đầu được trang bị, các trường có sự đầu tư theo từng năm học, từng ngành học để đến nay có điều kiện dạy và học hiện đại. Tiếp đó là việc mở ra hàng loạt ngành đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và của người học. Các ngành này được đầu tư ngay từ khi mở ra với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng cao… Vì các trường được quyền tự chủ trong mời và trả lương giảng viên, tự chủ trong đào tạo và tạo điều kiện cho đào tạo, tự chủ quyết định những ngành mũi nhọn, hướng đào tạo mũi nhọn của mình.

Tiến bộ cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trong các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM, có Đại học Quốc tế thành lập vào tháng 12/2003, được tự chủ tài chính từ năm 2008 và hiện nay đang hướng đến tự chủ toàn diện. Đây trường đại học công lập đầu tiên sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Đến nay, trường có hơn 8.800 sinh viên, gần 600 học viên, nghiên cứu sinh bậc sau đại học, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, học phí của Đại học Quốc tế có cao hơn mặt bằng chung của các trường chưa tự chủ, nhưng đổi lại, điều kiện học tập và nghiên cứu của cả sinh viên lẫn giảng viên đều trội hơn hẳn.

Chung Minh Nhật sinh viên năm thứ 4 khoa Công nghệ thông tin của trường này cho rằng, mức học phí mà Nhật đóng cho nhà trường là chấp nhận được và hoàn toàn xứng đáng với những gì mà em nhận được: "Học phí hơi cao, nhưng em thấy văn hóa học tập năng động và em có rất nhiều cơ hội nghiên cứu và học tập khi vào trường. Với em, với các cơ hội nghiên cứu, học tập, làm việc theo nhóm nghiên cứu, có các bạn ở các khoa, các bộ môn khác nhau, em cảm thấy em nhận được nhiều hơn".

Giáo sư- Tiến sĩ Võ Văn Tới cùng sinh viên giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế.

Đại học này hiện có 63% giảng viên trình độ tiến sĩ, thư viện với 33.000 đầu sách, 45 phòng thí nghiệm hiện đại, mỗi năm có 500 bài công bố nghiên cứu khoa học và bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Thu nhập của giảng viên, nhân viên cao hơn các đại học công lập khác và thấp hơn mức một số trường đại học dân lập nhưng có thể sống được bằng nghề của mình, có thể dành toàn thời gian hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu khoa học. Thực tế, để thu hút được người giỏi về làm việc, các trường tự chủ cần tạo ra được môi trường làm việc tốt nhất, điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học tốt nhất và trả lương ở mức chấp nhận được.

GS.TS Võ Văn Tới, người thúc đẩy thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y sinh của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết: "Trường Đại học Quốc tế tự chủ tài chính có lợi thế là mức lương đủ đề thu hút nhiều nhân tài. Trong trường, đặc biệt là Khoa Kỹ thuật Y sinh đầu tư về điều kiện làm việc cho giảng viên rất tốt, các phòng thí nghiệm của Khoa cũng rất tốt. Đó là một yếu tố để thu hút giảng viên về và gắn bó".

Tăng dần quyền tự chủ đại học

Cả nước hiện có 240 trường đại học, học viện. Năm 2014, theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu được thí điểm tự chủ tương đối toàn diện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, thực ra, cụm từ tự chủ đại học xuất hiện từ năm 1996, từ khi 2 đại học quốc gia ra đời, nghĩa là đến nay đã 25 năm. Mô hình quản trị đại học có nhiều chuyển biến, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học: "Trong bước đầu tự chủ đại học đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay các trường tham gia thí điểm tự chủ đã có sự bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam".

Tại kỳ họp Quốc hội vừa mới kết thúc, trong đó, khi trả lời chất vấn của đại biểu về tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá: Chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, còn phải thực hiện tiếp tục và đây là một quá trình. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học và đã đạt được kết quả rất tốt. Gần đây nhất, khi phát biểu với hàng ngàn giảng viên, sinh viên của Đại học Quốc gia TP HCM, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng nhấn mạnh đến tự chủ đại học.

Có thể thấy, Chính phủ và ngành Giáo dục- Đào tạo đều đã khẳng định tự chủ đại học phải là câu chuyện bắt buộc chứ không còn là sự khuyến khích như trước nữa. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy quyền tự chủ của các trường đã được nới rộng dần, từ Nghị định số 43 năm 2006 của Chính phủ về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đến Nghị quyết số 40 năm 2012 về Chương trình hành động của Chính phủ trong đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công…cho thấy trong xây dựng chính sách đều theo xu hướng thúc đẩy tự chủ đại học. Hiệu quả thực tiễn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường được tự chủ là động lực để các trường khác mạnh dạn thực hiện tự chủ từng bước hoặc toàn diện cho phù hợp./.


Minh Hạnh/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/tu-chu-dai-hoc-la-tat-yeu-vuong-dau-go-do-821868.vov

  • Từ khóa